Siêu" máy bơm" hoạt động rất hiệu quả nhưng không được nhân rộng; không thực hiện đúng thỏa thuận cho máy bơm đến khu vực khác của TP để chống ngập là 2 lần doanh nghiệp bị "lật kèo".
>>“Tối hậu thư” cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Theo chủ trương ban đầu của Thành ủy, UBND TP.HCM định hướng và chỉ đạo cho phép Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung được lắp thử nghiệm “siêu máy bơm” tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh và giao cho các sở ngành đo đạc, tính toán các mặt về kinh tế, kỹ thuật. Nếu hiệu quả tốt, sẽ cho phép ứng dụng công nghệ “siêu máy bơm” này trên phạm vi các điểm ngập khác của thành phố.
Sau thời gian máy bơm chạy thử nghiệm năm 2017 và 2018, Liên hiệp Hội khoa học và các sở ngành của TP.HCM đã tính toán, khảo nghiệm, so sánh và đánh giá công nghệ chống ngập kiểu mới của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) có nhiều tính năng, kỹ thuật vượt trội có hiệu quả chống ngập thực tế tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cụ thể, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đã thành lập Hội đồng đánh giá phản biện khoa học với đề án giải pháp chống ngập kiểu mới tại đường Nguyễn Hữu Cảnh vào tháng 4/2017.
Công trình được đánh giá phát huy hiệu quả rõ rệt trong suốt thời gian 5 năm triển khai chống ngập, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không bị chủ đầu tư phạt theo quy định của hợp đồng, nhận được phản hồi tích cực từ người dân sống trong khu vực ngập.
Tuy nhiên, năm 2019 thành phố lại đầu tư tiếp một dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh lên 1,2 m chồng lên dự án “siêu máy bơm”. Khi bị các cơ quan thanh tra kiểm toán, chỉ ra những sai phạm một công trình chống ngập nhưng thành phố lại dùng 2 nguồn ngân sách để thanh toán. Vì thế, thành phố đã quyết định giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đàm phán với Công ty Quang Trung dừng máy bơm.
Ngày 20/7/2022, Trung tâm Quản lý hạ tầng đã mời Công ty Quang Trung vào đàm phán và hai bên đã thống nhất thỏa thuận ký biên bản, chuyển máy bơm từ đường Nguyễn Hữu Cảnh sang một trong hai vị trí mới là đường Phan Huy Ích và Nguyễn Văn Quá, thay vì Công ty Quang Trung sẽ không áp dụng bồi thường và phạt theo điều 14 của hợp đồng mà hai bên đã ký.
>>TP HCM: Đề xuất chi 4,3 tỉ USD để xử lý các dự án chống ngập
Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý hạ tầng đã báo cáo không trung thực lên UBND TP.HCM, được sự giúp sức của Sở Xây dựng báo cáo thành phố dừng và chấm dứt hợp đồng hoạt động của “siêu máy bơm”.
Sở Xây dựng đã có văn bản số 6325/SXD-HTKT ngày 5/5/2023 gửi Công ty Quang Trung nêu rõ thành phố ghi nhận sự đóng góp của công ty đối với lĩnh vực chống ngập của TP.HCM nói chung và khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng.
Đồng thời, Sở Xây dựng đã thông báo đến Công ty Quang Trung phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật để chấm dứt hợp đồng thuê máy bơm chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty Quang Trung, cho biết chủ trương xuyên suốt của Thành Ủy, UBND TP.HCM đã cho phép Công ty Quang Trung lắp hệ thống “siêu máy bơm” chống ngập để thử nghiệm thực tế tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Qua thử nghiệm thực tế 2 năm (2017-2018) đã được các sở ngành và Trung tâm chống ngập (đại diện chủ đầu tư) đánh giá “siêu máy bơm” phát huy hiệu quả tốt và có giá thành rẻ, tiết kiệm cho thành phố tới 70% chi phí so với cách làm truyền thống.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, sản phẩm công nghệ khoa học này lại không được Trung tâm Quản lý hạ tầng đề nghị thành phố cho phép nhân rộng theo như chủ trương xuyên suốt của TP.HCM.
Đây là vấn đề công ty rất băn khoăn, không hiểu vì sao công nghệ chống ngập kiểu mới vừa tốt, vừa hiệu quả, vừa rẻ và được cam kết trong hợp đồng không hết ngập không lấy tiền… mà thành phố không phải bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng ban đầu để đầu tư.
Đồng thời, mô hình mới này có thể mời gọi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia theo hình thức xã hội hóa chống ngập theo mét vuông, đã được Viện Kinh tế Khu vực 2 xây dựng trình Trung tâm Quản lý hạ tầng để trình UBND TP.HCM phê duyệt, nhưng đã bị đơn vị này bãi bỏ.
“Đây là việc làm thiếu trách nhiệm và không muốn nhân rộng mô hình chống ngập kiểu mới để giúp đỡ người dân của Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Hai cơ quan này chỉ muốn đưa ra những phương pháp chống ngập “độc quyền” theo công nghệ truyền thống để tiêu tốn ngân sách nhưng lại không chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Tăng Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
00:21, 27/11/2022
06:29, 21/08/2021
05:00, 03/07/2021
07:40, 22/05/2021
04:23, 20/05/2021