Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương Hải Dương còn chậm là vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Được biết, năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, cao hơn 1.457,9 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng gần 650 tỷ đồng so với năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm 2024, các cấp, ngành của Hải Dương đã chủ động thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Minh chứng là các dự án, công trình được phân bổ vốn chi tiết kịp thời. Tính đến ngày 20/9, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.420,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,8% so với tổng vốn thanh toán và bằng 34,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù vậy, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, nguồn vật liệu… đã khiến không ít dự án chậm giải ngân. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 9, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã tàn phá, gây hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công các dự án, công trình. Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đã nặng nề lại càng trở nên áp lực. Hiện vẫn còn 15 dự án cấp tỉnh quản lý chưa có số liệu giải ngân.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, hiện có hơn 20 dự án chủ yếu ở lĩnh vực giao thông do ban làm chủ đầu tư gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Vướng mắc xuất phát từ việc xác định nguồn gốc đất, không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ.
Thời điểm bàn giao mặt bằng sẽ quyết định tiến độ thi công dự án và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định tiến độ, lộ trình thu hồi đất, không để xảy ra tình trạng dự án chờ mặt bằng.
Quyết liệt đẩy nhanh
Trước những yêu cầu cấp bách về giải ngân vốn đầu tư công và thực trạng giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, tại nhiều cuộc họp và kiểm tra thực tế dự án, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm không để điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng cản trở mục tiêu phát triển chung của địa phương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để có thể đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo mục tiêu phấn đấu, bên cạnh việc gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư thì khâu giải phóng mặt bằng phải được quan tâm hơn, sớm tháo gỡ những vướng mắc theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Mới đây, để khắc phục những tồn tại, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ triển khai, đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã kiểm tra tình hình triển khai một số dự án đầu tư công trên địa bàn các huyện Thanh Hà, Kim Thành và TP Chí Linh.
Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng dự án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp, ngành phải quyết liệt, khẩn trương tìm giải pháp để rút ngắn thời gian triển khai. Căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị thi công cân nhắc việc triển khai đồng thời nhiều hạng mục nhằm đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh áp lực giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh rất lớn, song đây là thử thách để khẳng định năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Bên cạnh việc bảo đảm khối lượng công việc, các cơ quan, đơn vị phải chủ động trong hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ phục vụ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. Những dự án chậm tiến độ phải xây dựng kế hoạch triển khai, tính toán cụ thể phương án về nhân công, nguồn lực, nguồn vật liệu, phấn đấu hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất có thể.
Đối với những dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, ông Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành liên quan thống nhất phương án giải quyết dứt điểm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy nhanh việc thực hiện các phần việc trong quy trình giải phóng mặt bằng. Trong đó phải quy trách nhiệm cụ thể, tránh đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.
Ông Châu cũng lưu ý trong giải phóng mặt bằng phải vận dụng các chế độ, chính sách có lợi nhất cho người dân. Các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Khi đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định nhưng người dân không chấp hành thì xem xét phương án cưỡng chế để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Về những dự án chuẩn bị khởi công, ông Châu yêu cầu khi được bàn giao mặt bằng cần huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm có khối lượng công trình đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư dự án tăng cường, bố trí thêm chuyên viên có năng lực, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai dự án, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh, đề xuất phương án xử lý nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch.
Thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 không còn nhiều nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung, nhất là trong giai đoạn có những thay đổi quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những xáo trộn trong việc triển khai, xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hoặc tạo ra tâm lý lo ngại, sợ sai, đơn vị này nghe ngóng đơn vị kia dẫn đến chậm trễ, mất thời gian.
Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh, nếu các cấp, các ngành không ngại khó, dám đương đầu sẽ nỗ lực, tạo bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024.
Kết quả giải ngân năm 2024 khả quan sẽ tạo sức bật lớn cho Hải Dương thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ, nền tảng để tỉnh tính toán, định hướng kế hoạch đầu tư công 2026-2030 phù hợp, hiệu quả.