Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, gạo Việt đạt mức giá kỷ lục là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ trong chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn giao Bộ NM&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu theo dõi, điều hành thị trường cho phù hợp trước thông tin DĐDN đăng bài “Gạo Việt Nam lập đỉnh kỷ lục mới”.
Trả lời phỏng vấn DĐDN về nội dung “Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh giá mới, cao hơn 5-7USD/tấn so với gạo Thái Lan, vượt xa giá gạo Ấn Độ và Pakistan”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, gạo Việt đạt mức giá kỷ lục là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ trong chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo.
- Như vậy, giá gạo Việt trên thị trường quốc tế cuối năm 2020 và những tháng đầu năm nay vượt qua những quốc gia luôn được đánh giá là gạo ngon và có giá trị cao nhất nhì thế giới trong nhiều thập kỷ qua không chỉ là sự đột biến, thưa thứ trưởng?
Gạo Việt giữ được mức giá cao trong nhiều tháng liền cho thấy đó không chỉ là “phong độ” nhất thời mà “đẳng cấp” của hạt gạo Việt đã được cải thiện, đó là thành quả của sự nỗ lực của chuỗi sản xuất từ lai tạo giống, gieo trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.
Tựu chung có ba nguyên nhân chính khiến gạo Việt Nam có được vị thế mới như hiện nay, đó là: Thứ nhất, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng.
Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP, UKVFTA đã tạo điều kiện mở rộng thị trường cho Gạo Việt.
Thứ ba, mặc dù dịch COVID-19 kéo dài làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở.
- Thực tế, thời gian qua đã có hiện tượng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không đẹp với nhau “fair play” chào bán phá giá, ảnh hưởng chung đến cục diện thị trường. Vấn đề này đã được khắc phục, thưa ông?
Đúng là tình trạng doanh nghiệp chào bán phá giá lẫn nhau cũng đã được khắc phục vì mặt bằng giá lúa gạo trong nước đã tăng cao, nếu một doanh nghiệp nào đó ký kết hợp đồng xuất khẩu giá thấp thì cầm chắc thua lỗ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đặc biệt phải lưu ý vấn đề kiểm soát chất lượng và phối hợp chặt chẽ với nông dân, các hiệp hội, hợp tác xã... để đảm bảo ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu. Đây mới là vấn đề tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
- Thưa Thứ trưởng, để nâng cao hơn nữa vị thế hạt gạo Việt thì ngành sản xuất lúa gạo cần phải tập trung cho khâu then chốt nào trong thời gian tới?
Sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ là xu hướng tất yếu hiện nay và tương lai. Ngày 23/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Mục tiêu của Đề án: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...
Hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương với hàng trăm doanh nghiệp tham gia, bước đầu đã có sản phẩm xuất khẩu ở nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương):
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân cần phải lưu ý thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu. Hai bên cần chủ động hợp tác để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” gạo từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. Nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những “đối thủ” lớn trên thị trường như Thái-lan, Cam-pu-chia - những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Khẳng định chất lượng và thương hiệu hạt gạo Việt Nam
21:33, 28/03/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 25/03: Vị thế mới cho gạo Việt
06:00, 26/03/2021
Gạo Việt "tự tin" chinh phục thị trường
04:30, 26/03/2021
Giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục
03:30, 24/03/2021
Gạo Việt chiếm lĩnh thị trường
11:00, 09/03/2021
Định vị sản xuất lúa gạo Việt Kỳ I: Cải thiện đẳng cấp
13:36, 05/03/2021
Gạo Việt đang đứng ở mức giá cao trên thị trường thế giới
17:17, 17/02/2021
Giá gạo Việt tăng vọt
04:00, 08/12/2020