Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, với sự nhiệt huyết, năng lực của doanh nghiệp đóng góp cho kinh tế và kiểm soát thương hiệu, Việt Nam đang đi vào cấp độ mới của TMĐT xuyên biên giới.
>>>Phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT còn thiếu rõ ràng
Ghi nhận trong những tháng đầu năm 2023, ông Gijae Seong - Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam - cho biết, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon đã tăng trưởng 50% bất chấp khó khăn của thị trường xuất khẩu B2B. Cùng với đó, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 40%.
Đã có 17 triệu sản phẩm từ các nhà sản xuất Việt Nam “go global” qua Amazon trong những tháng qua, cho thấy các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa của Việt Nam đã bắt kịp chuyến tàu thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, tận dụng hiệu quả và đang tăng tốc để vươn ra thị trường toàn cầu trên một không gian mới, với những phương thức mới.
“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sản xuất với sự nhiệt huyết, năng lực của doanh nghiệp để đóng góp cho kim ngạch quốc gia và kiểm soát thương hiệu, và thực sự đang đi vào cấp độ mới của TMĐT xuyên biên giới”, ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch tập đoàn Amazon - chia sẻ tại sự kiện Hội nghị thường niên “Vững bước tăng trưởng” do Amazon tổ chức ngày 19/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bổ sung thêm thông tin về kết quả hoạt động xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon năm 2023, dù chưa hết năm, ông Gijae Seong cho biết top 5 các mặt hàng từ Việt Nam đang bán chạy nhất là nội thất trang trí nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe, may mặc, làm đẹp. Trong đó, nội thất trang trí nhà cửa 3 năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu, tương ứng với xuất khẩu B2B khi gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong lĩnh vực xuất khẩu cho kim ngạch cao của Việt Nam, được ưa chuộng tại các thị trường như Mỹ, với các mặt hàng bàn ghế ngoài trời, trang trí trong nhà, mây tre đan…
>>>Cần có chế tài để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên môi trường TMĐT
Top 5 sản phẩm của người Việt bán chạy trên nền tảng TMĐT toàn cầu này cũng phản ánh lợi thế của Việt Nam với các làng nghề và nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào. Đây là những gợi ý tốt cho các doanh nghiệp muốn khai thác các thế mạnh của nội địa, địa phương để cung cấp hàng hóa qua TMĐT xuyên biên giới, tiếp cận khách hàng trên các thị trường quốc tế.
Ở góc độ đại diện cơ quan quản lý, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, và Đông Nam Á hiện nay là là khu vực tăng trưởng nhanh nhất về TMĐT tên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam nằm trong top 3 về tốc độ và quy mô tăng trưởng, với năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, kỳ vọng năm 2023 với tốc độ tăng 25% sẽ đạt giá trị 20,5 tỷ USD, tuy còn khiêm tốn trong tổng mức bán lẻ cả nước nhưng đây là kết quả vô cùng lạc quan trong bối cảnh chung.
“Chúng ta biết rằng Việt Nam với độ mở kinh tế rất lớn và sự sẵn sàng về sản xuất hàng hóa, thì xuất khẩu vấn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP, do đó, chúng ta cần làm mới những động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả động lực mới.
Từ góc độ của doanh nghiệp phát triển TMĐT và theo hướng bền vững, rõ ràng các doanh nghiệp sẽ phải giải quyết bài toán tận dụng TMĐT xuyên biên giới sao cho hiệu quả nhất, vừa để xây dựng thương hiệu, vừa đưa ra sản phẩm ra toàn cầu và khẳng định giá trị. Đây là bài toán của chính doanh nghiệp trong đóng góp hiệu quả để thúc đẩy TMĐT, vừa là ứng dụng, số hóa, đóng góp cho nền kinh tế”, bà Lại Việt Anh cho biết.
Theo các nhà lãnh đạo, các giải pháp, công cụ cải tiến mà Amazon đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp, như Ưu đãi phí duy trì tài khoản 6 tháng chỉ 1 UDDS, hay các công cụ trợ giúp JITA, công cụ khuyến mãi tùy chỉnh theo thương hiệu, chương trình vận chuyển SEND với mục tiêu tối ưu giải pháp logistic…, thực sự rất cần được các doanh nghiệp tận dụng. Bởi đây là những hướng hỗ trợ giá trị từ phía nền tảng điện tử toàn cầu này nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong mọi giai đoạn của hành trình bán hàng toàn cầu.
Tất nhiên, để có thể tận dụng được các giải pháp hỗ trợ, việc đầu tiên vẫn là cần sự nhận thức - động lực thúc đẩy các doanh nghiệp / nhà bán hàng bắt đầu và phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu toàn cầu qua kênh TMĐT xuyên biên giới.
Kể câu chuyện thực tiễn từ quá trình tiếp cận đối tác, nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản AGlobal - Founder Nguyễn Khánh Trình chia sẻ, AGlobal có tìm kiếm một khách hàng là một nhà sản xuất nhỏ về chuyên về sản xuất khay đựng đồ tắm bằng tre. Tại Việt Nam, giá rời xưởng của nhà sản xuất này là 7-8USD/ khay, nhưng giá của loại khay này bán tại thị trường Mỹ là 70 USD/ khay. Khi nghe chúng tôi chia sẻ, vị giám đốc của đơn vị sản xuất khay tre vô cùng ngạc nhiên và lập tức hợp tác để trở thành khách hàng. Sau 2 tháng xây dựng, tiếp cận thị trường, họ đã có 100 đơn hàng đầu tiên...
“Có thể thấy là rất nhiều sản phẩm của nhà sản xuất Việt Nam có đủ các điều kiện về mẫu mã, chất lượng để bán hàng toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới. Điều quan trọng là doanh nghiệp, nhà bán hàng phải cần định hình thương hiệu và có giải pháp lan tỏa thương hiệu. Song thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam vẫn chỉ muốn “sản xuất sỉ” - muốn nhận đơn hàng lớn và gia công; trong khi khâu đầu về sản xuất họ đã đáp ứng được nhưng đầu tư thương hiệu và phát triển lâu dài thì lại vẫn còn ngại”, ông Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử
23:24, 17/10/2023
Startup Creative Force tận dụng AI phát triển thương mại điện tử
10:59, 17/10/2023
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử qua mạng xã hội thông qua “Chợ phiên OCOP Hải Phòng”
01:12, 17/10/2023
“Vén màn” thương mại điện tử 3.0
14:37, 28/09/2023
Thương mại điện tử – đòn bẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
01:00, 20/09/2023
AI hát Rap bán hàng thương mại điện tử
02:00, 10/09/2023