Việt Nam là một trong ba quốc gia tạo nên “Tam giác khởi nghiệp” tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.
>>Khai giảng khóa đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho khu vực miền Trung
Theo báo cáo đầu năm 2021 của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Trong đó, có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư, bao gồm 12 thương vụ công nghệ tài chính tổng cộng 61,2 triệu USD; 8 thương vụ thương mại điện tử, tổng cộng 143,85 triệu USD; 6 thương vụ quản trị nguồn nhân lực 36,88 triệu USD.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi đó có gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, dưới "bệ đỡ" của hệ sinh thái khởi nghiệp đang hoàn thiện từng ngày. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của startup kỳ lân thứ hai, là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 startup có định giá trên 100 triệu USD.
>>Hệ sinh thái Khởi nghiệp: Cơ hội và tiềm năng của nhà đầu tư mạo hiểm sau đại dịch
>>Khởi nghiệp sáng tạo là động lực để kinh tế đất nước phát triển bền vững
Ngày 30/5, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC, Bộ KH-ĐT) công bố khai trương 2 văn phòng mới tại Hà Nội và TP HCM, đồng thời tổ chức hội thảo: “Tam giác vàng khởi nghiệp” khu vực Đông Nam Á: Việt Nam - Singapore -Indonesia và ảnh hướng của chúng đối với làn sóng tăng trưởng tiếp theo của khu vực.
Trong “tam giác vàng khởi nghiệp”, Việt Nam đã trở thành viên ngọc mới của khu vực khi vươn lên nằm trong bảng xếp hạng cùng với các nước dẫn đầu khu vực như Singapore và Indonesia với mức vốn đầu tư cao kỷ lục lên tới 1,4 tỷ USD rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2021, cao hơn 1,6 lần so với con số 874 triệu USD năm 2019.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới”.
Việt Nam trở thành động lực quan trọng đối với thị trường tiêu dùng của châu Á trong thập kỷ tới khi có thêm 36 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nội địa có thể lên tới 20%/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhất ở Đông Nam Á và ước tính chiếm khoảng 40% tổng dân số hiện nay, cao gấp 4 lần so với năm 2000. Đến năm 2030, con số này có thể đạt 75%.
Hiện chỉ số tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm; Lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, với 70% dân số dưới 35 tuổi trên tổng 98 triệu người. Tỷ lệ biết chữ khoảng 95,4% - một trong những tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á.
Yếu tố thứ ba góp phần vào tiềm năng của Việt Nam là nhu cầu kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ sau đại dịch. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% đến từ các khu vực phi đô thị tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021. Tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet năm 2021 Việt Nam được dự báo là 21 tỷ USD - tăng 31% nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến năm 2025, nền kinh tế Internet tổng thể có thể sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 29%.
Singapore hiện có 97% người dùng Internet, ứng với lượng người tiêu dùng dịch vụ kỹ thuật số. Tỷ lệ thâm nhập Internet của quốc gia này vẫn ở mức cao nhất trong khu vực. Nền kinh tế Internet của Singapore dự kiến đạt 27 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 16%.
Indonesia cũng là quốc gia được hưởng lợi từ đại dịch. Kể từ thời điểm đại dịch bùng phát cho đến nửa đầu năm 2021, Indonesia ghi nhận 21 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó 72% đến từ khu vực không phải thành phố lớn.
Việt Nam, Indonesia, Singapore là 3 thị trường trò chơi điện tử đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Khu vực này dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 8,5% trong giai đoạn 2022-2027. Năm 2020, doanh thu lĩnh vực trò chơi điện tử đạt gần 530 triệu USD, gấp đôi năm 2015.
Trong khi đó, các nhãn hiệu D2C đã tăng gấp 3 lần số vốn huy động từ nhà đầu tư trong 20 năm, đạt 2 tỷ USD. Tuy vậy, dữ liệu từ Venture Intelligence cho thấy phân khúc này bắt đầu sụt giảm vào năm 2020 khi chỉ huy động được 735 triệu USD, giảm mạnh so với tổng giá trị 1,5 tỷ USD vào một năm trước đó.
Ông Vinnie Lauria - Sáng lập tại Golden Gate Ventures đánh giá: “Đông Nam Á luôn là khu vực có tiềm năng lớn, nhưng việc mở rộng mô hình kinh doanh là một thách thức đối với nhiều người vì tính động độc đáo của mỗi thị trường. Nghiên cứu của chúng tôi về các kỳ lân lớn nhất khu vực đã chỉ ra rằng việc kết hợp các thế mạnh độc đáo của Singapore, Indonesia và Việt Nam với nhau sẽ tạo ra sự kết hợp thành công có thể giúp họ đổi mới và tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng”.
Theo các chuyên gia, ngoài công nghệ y tế, công nghệ tài chính và phân tích chuỗi cung ứng tiếp tục là những lĩnh vực lớn trong “Tam giác vàng khởi nghiệp”, các doanh nghiệp nên chú ý tới các lĩnh vực quan trọng không kém khác như trò chơi điện tử và D2C (doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến khách hàng không qua kênh phân phối) vì các lĩnh vực này rất tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm