Việt Nam trong vòng xoáy châu Á - Thái Bình Dương

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 07/03/2022 05:30

Tất lẽ dĩ ngẫu, nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình thế như trò chơi “giữ thăng bằng”, chỉ một chút sơ sẩy là té ngã.

Chiến lược mới của Mỹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Đông Nam Á

Chiến lược mới của Mỹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Đông Nam Á

>>Mỹ hạch tội và phát động chống Trung Quốc

Trung tuần tháng 2, Washington công bố tài liệu dài 12 trang về chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc nhận diện mối nguy Trung Quốc; hoạch định tương lai hợp tác toàn diện với khu vực.

Để chiến lược hoạt động, Nhà trắng xoáy vào trọng tâm các đồng minh hiện có như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, đồng thời nhấn mạnh Đông Nam Á là trung tâm mới, gồm có các trụ cột như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Thái độ ứng xử của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã được bàn đến từ lâu trong các chương trình nghị sự định kỳ của khối ASEAN. Nhưng từ khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine xảy ra, nhiệm vụ này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Phải làm gì để cân bằng quan hệ với các cường quốc? Nên hay không nên ngả về phía Mỹ? Cách nào tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh Trung - Mỹ? Những câu hỏi này sẽ tác động đến cấu trúc chính sách ngoại giao từng quốc gia, song cũng cần sự đồng bộ, thống nhất trong toàn ASEAN.

Với Việt Nam, hợp tác với Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, quan hệ song phương phát triển rất nhanh sau hơn ¼ thế kỷ bình thường hóa ngoại giao.

Vấn đề hóc búa sẽ nảy sinh khi người Mỹ chính thức hiện diện trong khu vực, cùng trực tiếp bàn bạc nghị sự với nhiều chính phủ ở đây - theo cách nói của chiến lược mới là đột phá “cơ chế phối hợp và hành động”.

“Củ cà rốt" Mỹ chìa ra đâu chỉ có kinh tế, nói cách khác “cơ chế phối hợp và hành động mới” mang tính trói buộc, để đạt được hiệu quả kinh tế phải đi kèm với cái “bắt tay” về an ninh, chính trị, quân sự.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không hề dấu diếm ý định kết nạp thêm nhiều đồng minh mà hứa hẹn đầu tư về năng lượng “sạch”, kinh tế số,... chỉ là màn dạo đầu. Mục tiêu cuối cùng là “cam kết đa lĩnh vực, đa phương diện”.

Nhà trắng sẽ đầu tư vào các thể chế dân chủ, tự do báo chí, ngôn luận; hỗ trợ cho minh bạch tài chính, đầu tư, xây dựng và quản trị vĩ mô. Đây chẳng phải là điểm khởi đầu của một liên minh sao?

Khi nói đến điều này với nhiều dấu hỏi với rất nhiều sự thận trọng có nghĩa là không thể bỏ qua Trung Quốc. Bắc Kinh cũng như Moscow, ngày đêm bất an trước vòng vây siết dần từ Mỹ và đồng minh.

Mỹ cần Đông Nam Á một thì Trung Quốc cần Đông Nam Á mười - bởi vì Đông Nam Á là cửa ngõ tiến ra thế giới duy nhất và thuận lợi nhất mà Trung Quốc không bao giờ từ bỏ.

Tất lẽ dĩ ngẫu, nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình thế như trò chơi “giữ thăng bằng”, chỉ một chút sơ sẩy là té ngã. Ông Tập cũng có thể hành động như Putin nếu Đông Nam Á không coi bài học Ukraine là cẩm nang gối đầu giường.

Trung Quốc là lý do để Đông Nam Á phải tính toán thật cẩn mật

Trung Quốc là lý do để Đông Nam Á phải tính toán thật cẩn mật

Đường lối ngoại giao của Hà Nội là rất rõ ràng: độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, không liên minh chống lại bên thứ ba,…hay triết lý “ngoại giao cây tre”.

Nhưng an ninh, an toàn khu vực không chỉ mỗi Việt Nam nắm giữ. Điều này thật ái ngại vì một số quốc gia chưa cho thấy tính logic trong quan hệ với các nước lớn.

Philippines thường nghiêng qua ngả lại; Thái Lan chuyển hướng từ Tây sang Đông; Singapore thân Mỹ rõ ràng, Lào, Campuchia ngày càng gần Trung Quốc; Indonesia, Malaysia bắt đầu nhận ra nhiều điểm bất lợi trong quan hệ đầu tư, thương mại với Bắc Kinh.

Những biểu hiện này rất khó rút ra điểm gì chung thành một thể thống nhất - như là đối sách có thể chung sống hài hòa với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Ukraine hiện nay lại là bài học.

Kiev thiếu mềm dẻo ngoại giao dẫn đến chiến tranh nhưng hàng chục quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực. Cũng như vậy, tia lửa nhỏ ở Đông Nam Á cũng có thể thổi bùng xung đột vũ trang toàn diện.

Trung Quốc là láng giềng gần với Việt Nam và Đông Nam Á, điều đó mãi mãi không bao giờ thay đổi. Rồi đây Trung Quốc sẽ là cường quốc số 1, dù không thích nhưng để “bài Trung” kỳ thực chẳng khác nào con đường đến cổng địa ngục.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Joe Biden sẽ như thế nào?

    Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Joe Biden sẽ như thế nào?

    06:00, 09/11/2020

  • Kỷ nguyên Châu Á - Thái Bình Dương Kỳ I: Cuộc dịch chuyển tất yếu

    Kỷ nguyên Châu Á - Thái Bình Dương Kỳ I: Cuộc dịch chuyển tất yếu

    07:00, 19/10/2019

  • Kỷ nguyên châu Á - Thái Bình Dương Kỳ II: Chiến lược nào cho các nước nhỏ?

    Kỷ nguyên châu Á - Thái Bình Dương Kỳ II: Chiến lược nào cho các nước nhỏ?

    07:00, 26/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam trong vòng xoáy châu Á - Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO