Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngấm đòn khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường ở TP.HCM và các tỉnh phía nam…
Theo số liệu mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong tháng 7/2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng này giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 39,7% so với tháng trước.
Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, vốn thực hiện vẫn tăng. Cụ thể, tính đến 20/7/2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần, mua cổ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 11,1%. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6% so với cùng kỳ và 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Lĩnh vực thu hút đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với lần lượt tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
7 tháng qua, 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, thứ hai là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đến từ Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này.
Về kinh ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực FDI, xuất khẩu 7 tháng đầu năm tiếp tục tăng. Trong đó, xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 135,8 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 120,9 tỷ USD, tăng 37,6% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu.
Theo nhiều chuyên gia, sự “hoành hành” dữ dội của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, 45,8 điểm phần trăm (so với mức 73,9 điểm phần trăm của quý 1/2021). Dù chưa xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dịch.
Mặc dù nguồn vốn FDI đăng ký giảm mạnh song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI 7 tháng là vốn FDI giải ngân vẫn tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD.
Mới đây, trong Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, với số vốn FDI 16 tỷ USD năm 2020, lần đầu tiên, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhất thế giới. Vị trí mà Việt Nam nắm giữ hiện tại là thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
Trước những “cơ hội vàng” của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Theo đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI; trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2021 (kỳ I): FDI tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng
04:15, 22/07/2021
Lọt top 20 nước trên thế giới về hút FDI và cơ hội cho Việt Nam
15:30, 18/07/2021
Bức tranh toàn cảnh FDI thế giới và dự báo xu thế
04:00, 18/07/2021
Việt Nam hút 15 tỉ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2021
03:00, 25/06/2021
Doanh nghiệp FDI lạc quan với môi trường đầu tư tại Việt Nam
03:00, 24/06/2021