Sau khi trúng giá 4,28 tỷ đồng/m2 cho thửa đất 102 m2 tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh - TP Hà Nội), gấp 142 lần khởi điểm, người đấu giá đề nghị rút lại tiền cọc vì "trả nhầm".
>>> Quy định rõ mức giá khởi điểm và đặt cọc đấu giá đất
Chiều 30/12, UBND huyện Mê Linh tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất cuối cùng của năm 2023 tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh. 46 thửa đất đưa ra đấu giá có diện tích từ 83,7 m2 đến 297,1 m2; giá khởi điểm từ 23,2 - 31,9 triệu đồng/m2.
Khu đất đấu giá có vị trí tiếp giáp với đường tỉnh lộ 308; giáp UBND xã Tiến Thịnh và Trường THPT Tiến Thịnh; gần chợ dân sinh, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, cách nút giao đường Vành đai 4 và đường Mê Linh khoảng 1 km, rất thuận tiện cho việc kinh doanh phát triển kinh tế.
Kết quả, giá trúng thấp nhất là 23,4 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 47,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 150 tỷ đồng, chênh hơn 25 tỷ so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, một cá nhân tên Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng một m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá.
Khi kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng đã nói chuyện với đơn vị tổ chức đấu giá và đại diện chính quyền huyện. Ông Tùng cho biết đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên đã ghi nhầm". Ông mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho xin rút lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm) vì "đó là số tiền lớn".
Chia sẻ với DĐDN, ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng: Ông Tùng có thể đã nhầm giữa ĐƠN GIÁ ĐẤT (tính theo VND/m2) với giá trọn gói của thửa đất (tính theo đơn vị VND), tức là có thể về mặt ý chí, ông Tùng đã trả giá 4,28 tỷ đồng/toàn bộ thửa đất nhưng thông tin trên phiếu trả giá yêu cầu người tham gia trả giá theo m2, lẽ ra ông Tùng phải chia 4,28 tỷ đồng/102m2=41,96 triệu đồng/m2 để điền vào phiếu. Thay vì điền 41,96 triệu đồng/m2, ông Tùng đã điền 4,28 tỷ đồng/m2.
>>Đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường
Theo Điều 126 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…”. Theo ông Đỉnh, nếu ông Tùng cho rằng bản thân mình bị nhầm lẫn, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có thể đề nghị Tòa án giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tổ chức đấu giá theo phương án đấu giá từng thửa đất và việc trả giá cao đột biến như vậy đã xảy ra một số lần. Ngay đầu phiên, đấu giá viên đã công bố rõ ràng quy chế, trong đó có cả quy định giá khởi điểm được tính trên đơn vị một m2.
"Trong mọi trường hợp giá trả của khách hàng ghi bằng số hay bằng chữ có sự sai lệch thì đấu giá viên vẫn căn cứ giá trả bằng chữ để xác định. Quy chế đấu giá căn cứ Điều 34 của Luật Đấu giá, trách nhiệm của đấu giá viên là thực hiện quy chế đã ban hành", Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam nói.
Nói về sự việc trên, lãnh đạo Trung tâm Quỹ đất huyện Mê Linh (đơn vị tổ chức đấu giá) cho biết đây là việc "chưa có tiền lệ". Đơn vị sẽ cùng Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam xem xét để có hình thức xử lý đúng theo quy định với trường hợp này.
Về việc ông Tùng có được trả lại tiền cọc hay không, vị lãnh đạo cho rằng nếu trả lại cọc, đấu giá lại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn bộ những cá nhân đã tham gia đấu giá tại thửa đất nói trên. Do đó phải xem xét kỹ lưỡng.
Chia sẻ với PV, một lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết sẽ xử lý vụ việc trên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Có thể bạn quan tâm
Quy định rõ mức giá khởi điểm và đặt cọc đấu giá đất
05:00, 28/12/2023
Kon Tum: Kỳ vọng đấu giá đất công
03:00, 03/12/2023
Hà Nội: Ảm đạm đấu giá đất
18:00, 13/09/2023
Đấu giá đất nền qua thời hoàng kim
03:00, 10/07/2023
Vimedimex lên tiếng không liên quan vụ án đấu giá đất tại huyện Đông Anh
12:14, 19/01/2023