Khu kinh tế Thái Bình là khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược để tăng trưởng kinh tế.
>>>Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi ông Phan Đình Dực - Phó Trưởng ban phụ trách, Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp ( KKT và các KCN) tỉnh Thái Bình về thu hút vốn đầu tư FDI thời gian qua.
- Quy hoạch đi trước một bước tạo động lực thu hút đầu tư thưa ông?
Nói đến xây dựng KKT, các chuyên gia cho rằng cái khó nhất chính là công tác quy hoạch; nó được ví như xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KKT Thái Bình, Ban đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia tập trung bắt tay nghiên cứu lập quy hoạch. Đến ngày 28/10/2019, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng KKT và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg.
Theo Quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình, có 13 KCN, 08 KCN – đô thị - dịch vụ, 03 Khu cảng biển và các khu vực chức năng khác. Đến nay, đã phê duyệt quy hoạch xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2000 để làm cơ sở thu hút dự án đầu tư đối với 11 khu chức năng, bao gồm: 07 KCN (Liên Hà Thái, Hải Long, Tân Trường, Thụy Trường, Tiền Hải 2, Hưng Phú, Thái Thượng), 02 cảng biển (Diêm Điền, Ba Lạt); 01 Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf; 01 Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao. Các KCN và các khu vực chức năng còn lại, việc lập quy hoạch phân khu căn cứ vào nhu cầu đầu tư, chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất quốc gia trên địa bàn tỉnh để thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng KKT đã phát sinh những bất cập, chồng lấn giữa các quy hoạch, giữa quy hoạch với thực địa, vấn đề thực tiễn phát sinh và các yếu tố mới. Ngày 12/01/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 06/TB-VPCP theo đó, đồng ý về nguyên tắc, UBND tỉnh Thái Bình lập Hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. UBND tỉnh Thái Bình giao Ban Quản lý KKT và các KCN chủ trì phối hợp cùng đơn vị tư vấn, các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát và thống nhất các nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo đúng định hướng, đồng bộ và đúng với quy hoạch tỉnh. Đến nay, đã hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch và đã trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Tiến độ giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả tích cực thưa ông?
Nhận thức rõ công tác GPMB là yếu tố then chốt trong đẩy nhanh thực hiện dự án và thu hút đầu tư. Để tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư trên địa bàn KKT Thái Bình, thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác GPMB. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác GPMB, nhất là khi tỉnh đang triển khai nhiều dự án quan trọng, có tác động rất lớn đến sự phát triển KT-XH.
Đến nay, công tác GPMB tại KKT Thái Bình đã đạt kết quả nổi bật, từ khi thành lập KKT đã GPMB khoảng 900 ha đất KCN, đặc biệt là công tác GPMB tại KCN Liên Hà Thái: chỉ trong vòng 2 năm đã cơ bản hoàn thành GPMB dự án (gần 600 ha), đến nay, đã thu hút 15 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD.
Đạt được kết quả đó là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương và đồng thời có những biện pháp để đẩy nhanh công tác GPMB; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong việc GPMB phục vụ phát triển KKT.
- Ban đã tham mưu UBND tỉnh về thực hiện công tác xúc tiến đầu tư vào KKT và các KCN tỉnh thời gian qua như thế nào thưa ông?
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển song để các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết tới Thái Bình, nhất là thu hút được những nhà đầu tư lớn, UBND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch phát triển KKT và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong KKT Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 - 2030 được HĐND tỉnh thống nhất ban hành nghị quyết. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong KKT thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư: ưu đãi về đất đai, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ thủ tục hành chính.
Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng KKT. Với phương châm huy động mọi nguồn lực xây dựng các huyết mạch giao thông để kết nối Thái Bình nói chung, KKT nói riêng với các địa phương trong vùng tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hàng loạt tuyến đường mới được đầu tư như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, tuyến đường cao tốc CT.08 đoạn qua Thái Bình, Nam Định, tuyến đường từ TP Thái Bình đi cồn Vành và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong KKT. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trên địa bàn KKT cũng được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp và phát triển KT-XH của tỉnh.
Đây được xem là sự thay đổi đột phá về tư duy trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh trong thu hút đầu tư. Thay vì chờ đợi các nhà đầu tư tìm đến hoặc để nhà đầu tư hạ tầng tự mời gọi đầu tư, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và trực tiếp xúc tiến đầu tư nước ngoài từ châu Á đến châu Âu.
Có thể nói, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, việc xây dựng và phát triển KKT đã được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt. Đối với các nhà đầu tư trọng điểm, Thái Bình thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đây là điểm nhấn khác biệt trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Thái Bình, nhà đầu tư có ấn tượng và đánh giá cao về nỗ lực của tỉnh Thái Bình.
Với những tiềm năng, lợi thế của KKT và sự quyết liệt trong công tác thu hút đầu tư của Lãnh đạo tỉnh, việc thu hút đầu tư tại KKT và các KCN tỉnh trong các năm vừa qua đạt được những kết quả tích cực. KKT Thái Bình đang là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư thu hút vào KKT, KCN từ năm 2021 đến tháng 11/2023 đạt khoảng 53.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI đạt 1,63 tỷ USD, cao gấp 1,9 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022; 11 tháng đầu năm 2023 thu hút vốn FDI đạt 634 triệu USD. Hiện tại, còn nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án trong KKT như khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, dự án điện khí LNG, điện gió, khu cảng biển, cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa.
Để thúc đẩy phát triển toàn diện KKT, thu hút được những dự án lớn mang đặc trưng riêng của Thái Bình, Ban đề xuất thực hiện 6 nhóm giải pháp về tuyên truyền, quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư và nguồn nhân lực.
- Ban đã thực hiện đơn giản hóa TTHC, tạo sự hài lòng doanh nghiệp – động lực thu hút đầu tư thưa ông?
Ban đã thực hiện đồng bộ 50/50 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định; Công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC, quản lý, theo dõi đối với hồ sơ TTHC phát sinh được thực hiện trên hệ thống Dịch vụ công tỉnh Thái Bình; thực hiện giải quyết 100% TTHC theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thời gian thực hiện TTHC lĩnh vực đầu tư cắt giảm bình quân 40% so với quy định của Nhà nước.
Thái Bình có khát vọng mạnh mẽ phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, Thái Bình coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh và luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư, triển khai thực hiện dự án và trong suốt quá trình hoạt động SXKD trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong thời gian qua tỉnh đổi mới mạnh mẽ phương thức hỗ trợ nhà đầu tư. Đối với các dự án quy mô lớn, Thái Bình hỗ trợ 100% thủ tục về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Nhà đầu tư cung cấp tài liệu, số liệu, các cơ quan của tỉnh sẽ hỗ trợ lập hồ sơ). Đối với các thủ tục để khởi công dự án (Quy hoạch chi tiết, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Phòng cháy chữa cháy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng): Các cơ quan của tỉnh sẽ đồng hành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện song trùng các thủ tục và hỗ trợ làm việc với các Bộ, ngành (trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành) để rút ngắn thời gian thực hiện.
Tỉnh cũng quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài trong KKT Thái Bình hướng tới mục tiêu là nơi đáng sống và đáng để đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
(Thái Bình) Huyện Tiền Hải điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
13:38, 05/12/2023
Thái Bình cải thiện môi trường đầu tư thực chất, hiệu quả
13:10, 04/12/2023
Tỉnh Thái Bình: Đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư
01:29, 04/12/2023
Huyện Thái Thụy (Thái Bình) địa chỉ đỏ thu hút vốn đầu tư FDI
18:27, 03/12/2023
Chi cục Hải quan Thái Bình: Đơn giản hóa thủ tục - Chuyển đổi số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
13:47, 03/12/2023
Cục thuế tỉnh Thái Bình: Quyết liệt các giải pháp để tăng thu ngân sách
12:50, 03/12/2023
Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư
11:01, 03/12/2023
Thái Bình: Cải thiện môi trường đầu tư thực chất, hiệu quả
08:24, 03/12/2023
Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình – Hàn Quốc
16:44, 02/12/2023
Thái Bình: Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
15:38, 02/12/2023