Xin đầu tư sân bay Long Thành, ACV "xoay xở" nguồn vốn như thế nào?

Nha Trang 23/08/2019 00:45

Đề xuất cho tổng công ty ACV trực tiếp đầu tư giai đoạn 1 của Bộ GTVT đang vấp phải ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn và nhà đầu tư.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 về dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương gần 5 tỉ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

3 phương án đầu tư

Theo đó, ACV báo cáo về 3 phương án đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành gồm: Phương 1 là nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA. Đầu tư theo phương án này nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn, nhưng hiện chỉ có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay, rồi cho doanh nghiệp vay lại. Nhược điểm của phương án là sẽ làm tăng nợ công và phải sử dụng tư vấn, nhà thầu xây lắp của nước cho vay.

Hình ảnh dự án sân bay Long Thành.

Hình ảnh dự án sân bay Long Thành.

Phương án 2 là giao cho ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, khi ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia.

Phương án thứ 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT. Ưu điểm của phương án này là không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.

Đối với cả 3 phương án trên, ACV muốn được thực hiện đầu tư xây sân bay Long Thành theo phương án hai là giao ACV đầu tư vì có nhiều ưu điểm và lợi thế trong quá trình thực hiện dự án.

Tổng giám đốc, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết: “Hiện nay, các Cảng hàng không trọng điểm của các nước trên thế giới đều có vai trò của nhà nước chi phối. Qua đó, đối với một nhà ga chỉ có một đơn vị quản lý sẽ đảm bảo được các hoạt động hàng không. Đối với việc huy động vốn cho giai đoạn 1 đầu tư xây dựng Cảng hàng không Long Thành, ACV đều đã có phương án tài chính chi tiết để đảm bảo đủ vốn đầu tư”.

Do dự án này có nhu cầu vốn rất lớn, nên theo tính toán của tư vấn, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với yêu cầu tiên quyết là tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư bằng 33,4% tổng vốn đầu tư của ACV (4,225 tỷ USD), tương đương với 1,411 tỷ USD.

Về tài chính, hiện ACV đã tích lũy được 1 tỷ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019 - 2025, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.

Ẩn số dòng tiền của ACV

Đại diện ACV khẳng định, với năng lực tài chính lành mạnh, đơn vị có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường. Cụ thể, trong trường hợp vay USD, các khoản vay của ACV sẽ có thời gian vay 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất 5 %/năm.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, rất khó để xác thực dòng tiền và khả năng cân đối nguồn cho tham vọng “một mình một ngựa” đầu tư 22/23 cảng hàng không của ACV, do bản kế hoạch này gồm nhiều yếu tố đầu vào đều mang tính giả định.

Có thể bạn quan tâm

  • ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    17:01, 09/08/2019

  • ACV: Đã trình Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành

    ACV: Đã trình Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành

    14:16, 16/07/2019

  • Mù mờ tương lai ACV

    Mù mờ tương lai ACV

    15:03, 08/07/2019

  • ACV – Bến đỗ an toàn?

    ACV – Bến đỗ an toàn?

    10:50, 19/06/2019

Cụ thể, trong khi doanh thu bình quân cho cả giai đoạn 2018 - 2021 được ACV xây dựng quanh mốc 8 - 10%/năm; lợi nhuận sau thuế và trước thuế ở mức 10 - 12%/năm. ACV không nói rõ sẽ tối đa lợi nhuận bằng cách nào, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đơn vị này đã thoái vốn tại hầu hết các đầu mối có khả năng sinh lời cao, giá dịch vụ hàng không do Nhà nước định đoạt, nên đây là con số mang tính “đếm cua trong lỗ”.

Được biết, trong kế hoạch năm 2019, ACV chỉ đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 19.127 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.190 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này tăng lần lượt 7% và 9% so với năm 2018.

Một mối quan ngại khác được nhiều chuyên gia nêu ra là, nếu tiếp tục giao ACV làm nhà đầu tư các dự án đầu tư tại các cảng hàng không sẽ dẫn tới nguy cơ khép kín trong đầu tư, khi đơn vị này vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác.

“Sự độc quyền của ACV trong hạ tầng hàng không thời gian qua có thể do lịch sử để lại. Hiện là thời điểm thích hợp để đánh giá lại vai trò của ACV trong việc quản lý, đầu tư, khai thác công trình kết cấu hạ tầng hàng không trước và sau khi cổ phần hóa”, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhận định.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đối với các dự án đầu tư công nói chung và dự án xây dựng sân bay Long Thành nói riêng, hoàn toàn không nên chỉ định thầu dù đây là dự án có ý nghĩa quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng quốc gia.

"Không nên giao thẳng cho ACV đầu tư sân bay Long Thành theo dạng chỉ định thầu. Chúng ta có thể sử dụng vốn trong nước để đầu tư dự án này nhưng phải qua đấu thầu. Doanh nghiệp trong nước đủ khả năng làm sân bay, chỉ khó khăn về vốn nên các doanh nghiệp có thể kết hợp lại với nhau để đáp ứng năng lực về vốn .

Bản thân ACV đầu tư sân bay Long Thành có nhiều ưu điểm như Bộ GTVT chỉ ra. ACV có năng lực về kỹ thuật, kinh nghiệm đầu tư nhiều công trình hàng không, tuy nhiên, như đã nói, ACV muốn tham gia thì phải qua đấu thầu. Còn nếu giao thẳng cho đơn vị này thì dễ có tham nhũng, lợi ích nhóm phía sau. Hơn nữa, xét về kinh tế thị trường, phải có cạnh tranh, không thể cứ giao thầu rồi "ù xọe" với nhau cho xong việc", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xin đầu tư sân bay Long Thành, ACV "xoay xở" nguồn vốn như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO