Nhà xưởng cao tầng và khu công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng mới và tất yếu trong phát triển bất động sản công nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
>>Bất động sản công nghiệp ra sao khi áp thuế tối thiểu toàn cầu?
Ông Quang Trần – Giám đốc điều hành Vietlog Industrial Vietnam đã có cuộc trao đổi với DĐDN về vấn đề này.
- Theo ông, nhu cầu thuê bất động sản (BĐS) công nghiệp trong năm 2024 đã thay đổi thế nào?
Tôi nhận thấy, giai đoạn cuối 2023 và đầu năm 2024 trong lĩnh vực nhà xưởng xây sẵn, nhu cầu đang tăng cao hơn so với nhà kho logistics, so với năm 2023. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp cũng như sự chú ý ngày càng tăng từ các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam.
Các doanh nghiệp đang ngày càng cần nhiều không gian sản xuất và lắp ráp hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này bắt nguồn do nhu cầu dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và các quốc gia khác đến Việt Nam, tìm kiếm không gian sản xuất và lắp ráp với chi phí hiệu quả hơn. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nơi có chi phí nhân công giá rẻ và môi trường sản xuất kinh doanh ổn định kèm theo nhiều chính sách ưu đãi.
>>Điểm sáng bất động sản công nghiệp năm 2024
Ví dụ, một dự án của chúng tôi ở một tỉnh phía Bắc gần Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng trong nhu cầu thuê vào quý 4/2023, thậm chí đã được lấp đầy 100% chỉ sau vài tháng hoàn thành xây dựng, phục vụ khách hàng từ Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy điện.
Điều này là minh chứng rõ ràng cho nhu cầu tăng mạnh từ các doanh nghiệp lớn, có mong muốn dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình tới Việt Nam. Riêng nhu cầu xưởng lắp ráp xe máy, xe ô tô điện từ Trung Quốc đang gia tăng vào thời điểm cuối 2023 và đầu 2024 đang tạo áp lực “dễ chịu” lên nguồn cung nhà xưởng ở khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, việc các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc thăm Việt Nam vào cuối năm 2023 cũng sẽ tăng cường mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh giữa các quốc gia này với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và chất bán dẫn. Điều này dự kiến sẽ tạo ra áp lực đáng kể đối với nguồn cung kho xưởng trong năm 2024.
- Liệu những quy định trong các bộ Luật mới được thông qua có giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng quỹ đất, thưa ông?
Tôi tin rằng, những điều chỉnh mới trong các bộ luật gần đây, như việc loại bỏ khung giá đất và thiết lập bảng giá đất mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, cùng với việc xác định giá đất dựa trên nguyên tắc thị trường thay vì căn cứ vào giá đất tối thiểu…, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Những điều chỉnh này không chỉ mở cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất một cách dễ dàng hơn, mà còn giúp giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và phát triển. Bằng việc tạo ra môi trường pháp lý linh hoạt và minh bạch hơn, các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đầu tư cũng như mở rộng quy mô hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, bước đi này còn phản ánh sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một hệ thống pháp lý đồng nhất, giảm thiểu sự phức tạp và tránh xung đột. Đồng thời, những điều chỉnh này cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho môi trường kinh doanh BĐS nói chung và BĐS công nghiệp nói riêng, tạo điều kiện cho sự phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững của thị trường. Qua đó, thu hút nhiều đầu tư và giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong tương lai.
- Theo ông, xu hướng mới trong phát triển BĐS công nghiệp sẽ mang lại triển vọng thế nào để thu hút khách hàng?
Hiện nay, nhà xưởng cao tầng và KCN xanh đang trở thành xu hướng mới và tất yếu trong lĩnh vực phát triển BĐS công nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường đã phát triển.
Đối với các quốc gia tiên tiến, nhà xưởng cao tầng đã trở thành một phần không thể thiếu của cảnh quan công nghiệp, nhờ sự sáng tạo trong việc tận dụng không gian theo chiều cao. Những công trình này không chỉ giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng mà còn thúc đẩy hiệu suất sản xuất và quản lý logistics một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, KCN xanh được xem là một tiêu chuẩn mới trong việc phát triển các KCN ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những KCN này ngoài việc chú trọng vào phát triển kinh tế, còn quan tâm đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Như tại các quốc gia khác, việc tích hợp công nghệ xanh và các biện pháp bảo vệ môi trường vào quá trình phát triển KCN đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bởi loại hình này cung cấp môi trường làm việc thân thiện, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích ( từ đường giao thông, cung cấp điện, nước, đến xử lý nước thải….).
Còn tại Việt Nam, việc áp dụng những xu hướng này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Đầu tư vào nhà xưởng cao tầng và KCN xanh không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững, phát triển hài hòa với môi trường tự nhiên.
Trong tương lai, việc phát triển BĐS công nghiệp sẽ ngày càng hướng đến các giải pháp thông minh và bền vững, tạo ra những giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng phát triển bất động sản công nghiệp
14:22, 21/02/2024
Điểm sáng bất động sản công nghiệp năm 2024
04:30, 13/02/2024
Bất động sản công nghiệp: Nguồn cung tăng mạnh từ giai đoạn 2025 - 2030
14:00, 09/02/2024
Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
05:00, 01/02/2024
Bất động sản công nghiệp ra sao khi áp thuế tối thiểu toàn cầu?
15:00, 27/01/2024