Kinh tế

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng “phi mã” và mối lo thiếu nguồn cung

NGUYỄN VIỆT 07/08/2024 00:50

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), liên tục trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng “phi mã”.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 6 lập đỉnh. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

cá ngừ 1
Tính lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, tính lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ. Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Lý giải sự bứt phá này, VASEP cho rằng phần lớn nhờ vào giá sản phẩm cạnh tranh của Việt Nam. Các doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng thủy sản tại Hàn Quốc, đặc biệt là khi người dân nước này có xu hướng giảm chi tiêu, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản Việt Nam tăng cường xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay có 15 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này.

Dẫn đầu trong số này là Nha Trang Bay, Yueh Chyang Canned Food và Trinity Vietnam, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024.

Hiện thị trường Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu nhóm cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu thịt lợn (phần thịt thăn dọc sống lưng)cá ngừ vằn hấp đông lạnh.

Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.

Vẫn theo VASEP, trước làn sóng lạm phát ở phương Tây, cũng như căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển. Từ đó, đã thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm và khai thác thị trường Hàn Quốc nhiều hơn.

"Sở hữu vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định với dân số hơn 51 triệu người. Hiện tại Hàn Quốc là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam với xu hướng tăng trưởng cao từ năm ngoái", VASEP nhận định.

Dù vậy, trong nửa cuối năm 2024, VASEP lại lo ngại xuất khẩu cá ngừ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải thách thức về nguồn cung cá ngừ vằn nguyên liệu sụt giảm.

cá ngừ 2
VASEP lại lo ngại xuất khẩu cá ngừ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng, vì Nghị định 37/2024/NĐ-CP đang "bó chân" doanh nghiệp.

Cụ thể, quy định về kích cỡ tối thiếu của cá ngừ vằn cho phép khai thác, được quy định trong Nghị định số 37/2024/NĐ-CP đang "bó chân" doanh nghiệp.

Trước những rào cản này, VASEP đã có văn bản kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét tháo gỡ khó khăn về quy định kích thước khai thác tối thiểu đối với cá ngừ, sao cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Uỷ viên BCH VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), các doanh nghiệp cá ngừ đã cùng VASEP chủ động nghiên cứu để tuân thủ tốt Nghị định 37 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/5/2024.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hết sức băn khoăn, quan ngại khi thấy một vài quy định tại Nghị định 37 chưa phù hợp, thiếu khả thi có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu bình thường.

Ví dụ, quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn 500mm (1/2 mét) là hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Size 500mm trở lên chỉ chiếm tỷ lệ trung bình 5-7% trong các lô khai thác ngừ vằn hiện nay, tiêu chuẩn thương mại quốc tế bình thường hiện nay nhỏ hơn rất nhiều, và đặc biệt chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác ngừ vằn nhỏ hơn 500mm.

“Quy định này sẽ khiến từ ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá thêm tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến-cập bến và các doanh nghiệp thì sẽ không có nguồn nguyên liệu ngừ vằn để thu mua sản xuất xuất khẩu”, Cao Thị Kim Lan bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng “phi mã” và mối lo thiếu nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO