Dự án xây dựng khu nhà ở bán theo cơ chế kinh doanh do Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex làm chủ đầu tư gần 20 năm nay vẫn đang không thể giải phóng mặt bằng.
Dự án thậm chí còn chưa có lối vào chính, vẫn phải đi nhờ ngõ 358 Đà Nẵng.Công ty CP Vận tải - Dịch vụ Petrolimex (Công ty Petrolimex) được UBND TP Hải Phòng giao đất để thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở bán theo cơ chế kinh doanh tại Quyết định số 981/QĐ – UB năm 2003. Dự án có diện tích 67.522 m2, trong đó tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ VND. Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 40 tỷ VND.
Không có lối vào, phải đi nhờ
Theo báo cáo của Công ty Petrolimex, hiện dự án còn 50 hộ có đất thổ cư và 1 hộ có đất nông nghiệp chưa được giải phóng mặt bằng. Trong đó có 37 hộ đã có phương án được duyệt (theo Quyết định số 2119/QĐ-UB ngày 8/9/2003), đã tiến hành chi trả nhưng các hộ không nhận tiền bồi thường với lý do giá thấp, 13 hộ dân không cho kiểm kê.
Được biết, tại các vị trí đã giải phóng mặt bằng và được bàn giao (47.000m2), Công ty Petrolimex đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng: xây dựng đường, hè giao thông, điện hạ thế, chiếu sáng, cấp nước và đang thực hiện triển khai xây dựng nhà cho dân. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa có lối vào chính, vẫn phải đi nhờ ngõ 358 Đà Nẵng.
Ngày 11/12/2018, UBND quận Hải An có công văn số 2283/UBND-TNMT đề nghị Công ty Petrolimex có văn bản đề xuất UBND TP Hải Phòng cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án, đưa ra khỏi dự án phần diện tích ở của 50 hộ còn lại. Do công ty không có báo cáo khả năng tài chính và quỹ đất tái định cư cho các hộ dân.
Trước văn bản đề nghị Công ty Petrolimex điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích đất thổ cư không tiếp tục bồi thường được của UBND quận Hải An, ông Đào Thanh Liêm – TGĐ Công ty Petrolimex cho biết, trong số 50 hộ dân có đất thổ cư chưa giải phóng mặt bằng có 4 hộ mặt đường Phủ Thượng Đoạn nằm trong khu vực mở đường lối chính vào dự án theo quy hoạch. Số hộ có đất thổ cư còn lại có diện tích đất chéo méo, nằm xen kẹt với phần đất đã được giải phóng mặt bằng nên nếu để lại cả 2 bên (người dân – doanh nghiệp) đều không thể xây dựng được.
Trước đó công ty đã điều chỉnh lại quy hoạch nhằm giải quyết tình trạng các hộ dân có đất ở khi bị thu hồi nằm xem kẽ với đất đã giải phóng mặt bằng của dự án và giải quyết lối chính vào dự án. Việc UBND quận Hải An đề nghị công ty điều chỉnh quy hoạch, công ty không thực hiện được. Đối với việc bố trí đất tái định cư cho các hộ có đất ở bị thu hồi, UBND TP Hải Phòng đã ra các Quyết định số 315, Quyết định 3011 và công ty đã tuân thủ bố trí 100% các hộ có đất ở bị thu hồi được giao đất tái định cư tại chỗ. Về khả năng tài chính, công ty cam kết bố trí đủ kinh phí để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện xây dựng dự án – ông Liêm cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
11:12, 13/03/2019
11:05, 02/03/2019
14:50, 25/02/2019
Cả dân lẫn doanh nghiệp đều khổ
Trong khi đó, ông Phạm Văn Diễn – Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết, vì dự án kéo dài quá lâu nên tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã rất bức xúc khi hệ thống thoát nước thì gần như không thể hoạt động, nhà thì xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới vì nằm trong vùng dự án.
Người dân ở khu vực có dự án này lúc nào cũng canh cánh nỗi lo, nhà có thể sập bất cứ lúc nào nếu gặp mưa bão. Trước khi có dự án, nước mưa theo dòng chảy ra Sông Cấm, bây giờ thì khu vực này trở thành con sông tích trữ nước. Người dân đặt câu hỏi: dự án có làm nữa hay không, nếu làm tiếp thì bao giờ làm?
Về phía công ty, ông Liêm cũng bức xúc không kém, đến thời điểm này công ty đã nộp đủ tiền sử dụng đất cho thành phố là hơn 17 tỷ đồng, đóng đầy đủ tiền thuế đất phi nông nghiệp cho thành phố. Đáng lý TP Hải Phòng phải bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp nhưng gần 20 năm dự án vẫn không giải phóng xong mặt bằng, rõ ràng tiền doanh nghiệp đã bỏ ra không hiệu quả. Nếu biết được khó khăn như thế này thì ngay từ đầu chúng tôi đã không đầu tư.
Doanh nghiệp chỉ biết làm theo quy định của thành phố, chi trả theo quyết định của thành phố vì vậy đành phải đợi. Rất mong các cấp, các ngành có liên quan vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hoàn tất dự án theo đúng quy định – ông Liêm chia sẻ.
Hệ lụy của việc kéo dài thời gian không thể tiến hành tiếp dự án đã gây những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trong khi các hộ gia đình nằm trong vùng dự án cũng bức xúc không kém. Dự án đã phải “giậm chân tại chỗ” nhiều năm qua, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền nên giải quyết triệt để sự việc.