Nga và Iran đã và đang cạnh tranh nhau giảm giá dầu để đẩy mạnh tiêu thụ trong bối cảnh bị cấm vận.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi lớn từ việc mua dầu giá rẻ từ Nga và Iran, còn Mỹ cũng sẽ đưa dầu đá phiến ra chinh chiến trên thị trường.
Khi Châu Âu đạt được một phần trong kế hoạch ngưng mua dầu thô và khí đốt Nga, phía Nga phải đối diện với nghịch lý: Rốt ráo tìm khách hàng mới, kể cả bán giá rẻ trong khi nhu cầu “vàng đen” ở mức đỉnh điểm.
Trên thực tế, giá dầu Nga bán cho Trung Quốc và Ấn Độ “bị” chiết khấu cao hơn bình thường. Dĩ nhiên, Nga vẫn lãi đậm nhờ “bão giá” nhưng về lâu dài, điều này sẽ đẩy ngành công nghiệp xương sống của Nga đến bờ vực bất ổn do thiếu khách hàng, cung lớn hơn cầu, vướng vào chiến sự Nga - Ukraine.
Một trong những mối nguy mới chính là Iran. Dầu Iran hiện được giao dịch với mức giá thấp hơn dầu thô Brent Biển Bắc khoảng 10 USD/thùng, tương đương với các lô hàng Urals giao tháng 8. So với tháng trước, giá dầu mất 20USD/thùng.
Trung Quốc là bạn hàng “vàng” của Nga suốt mấy tháng nay, trong khi Iran cũng là đối tác chiến lược được Trung Quốc ưu ái nhất ở Trung Đông. Iran có cùng tình cảnh với Nga khi đang bị Mỹ trừng phạt và muốn tìm kiếm khách hàng nên Iran chọn cách hạ giá nhằm cạnh tranh với Nga.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước G7 dự trù kế hoạch áp giá trần với dầu thô của Nga trên phạm vi toàn cầu. Nếu cơ chế này hoạt động, giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu. Một dự báo mới đây của Citi Bank cho biết giá dầu sẽ có thể giảm về 65 USD/thùng vào cuối năm nay và giảm sâu còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu như kinh tế thế giới bước vào suy thoái.
>> Cuộc chiến giá dầu Nga - Iran tác động thế nào đến thị trường toàn cầu?
Trung Quốc đang hưởng lợi lớn nhờ mua khoảng 2 triệu thùng dầu giá rẻ của Nga và 700.000 thùng dầu Iran mỗi ngày để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho Châu Âu với giá cao hơn nhiều.
Đặc biệt, việc Trung Quốc ra sức thu gom dầu giá rẻ góp phần đẩy nhiều quốc gia xuất khẩu dầu vào tình trạng khó khăn. Một số nhà cung cấp đáng kể ở châu Phi, châu Á khó cạnh tranh về giá với các nước sở hữu công nghệ khai thác tiên tiến hơn.
Như vậy, hiện tượng lạ lùng đã xảy ra trên thị trường dầu mỏ trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Bên tiêu thụ hàng hóa có quyền quyết định giá cả, chứ không phải do bên sản xuất. Theo đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể ép giá dầu thấp hơn nữa để hưởng lợi; hoặc cũng có thể nâng giá phục phụ toan tính chiến lược.
Đi kèm với nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, dịch COVID-19 bùng lại ở Trung Quốc, nhu cầu năng lượng bắt đầu thoái trào. OPEC khó có thể làm khác Nga và Iran để cứu vãn nền kinh tế.
Một diễn biến khác, sau khi Châu Âu cấm vận dầu khí Nga, phía Mỹ lần đầu tiên chiếm lĩnh thị trường khí hóa lỏng (LNG) tại “lục địa già”. Theo các chuyên gia, tiếp đến sẽ là dòng dầu đá phiến rất dồi dào ở miền Tây Mỹ sẽ tham gia chinh chiến trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm