Nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn nằm trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.
>>Sàng lọc dự án FDI
Việt Nam vẫn là điểm sáng rất tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu, cũng như trên toàn thế giới chảy vào với mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất, công nghiệp xanh của Việt Nam.
Tác động từ bối cảnh kinh tế toàn cầu khiến cho chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Việt Nam sụt giảm, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có cái nhìn thận trọng hơn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn nằm trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Theo Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) quý IV/2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 14,2 điểm so với quý III xuống mức 48 điểm phần trăm và giảm 25 điểm so với quý đầu tiên năm.
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý I/2023, có 27% doanh nghiệp châu Âu cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện; 38% doanh nghiệp dự báo nền kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, theo Báo cáo BCI, điểm đáng mừng là trong quý IV/2022, có tới 41% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp của họ đã và đang chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, khoảng 35% doanh nghiệp đánh giá Việt Nam thuộc Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó có 12% doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư quốc tế hàng đầu của doanh nghiệp họ.
Điểm sáng rất tích cực là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu, cũng như trên toàn thế giới chảy vào Việt Nam vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất, công nghiệp xanh của Việt Nam.
Ngoài ra các nhà đầu tư hiện vẫn đang sẵn sàng ở mức cam kết cao nhất trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. Với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài này, cùng với nền tảng kinh tế vững chắc và cam kết phát triển bền vững, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới.
Rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam đó là sự thiếu rõ ràng trong nhiều quy định pháp luật, khó khăn về thủ tục hành chính và khó khăn về quá trình xin visa thị thực cũng như giấy phép lao động cho nhà quản lý và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Trong thời gian tới, để cải thiện năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị Việt Nam cần tiếp tục giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính, cũng như giảm khó khăn trong việc cấp thị thực cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực được châu Âu rất quan tâm và đánh giá có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Việt Nam sẽ sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8, minh bạch hoá quy trình lựa chọn nhà đầu tư, tháo gỡ những rào cản hành chính còn tồn tại, phát triển nguồn nhân lực, để có thể triển khai được những dự án quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại góp phần giúp Việt Nam hiện thực hoá cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 - Cop 26.
Thách thức hiện nay là làm sao để tận dụng tâm lý tích cực trong mọi lĩnh vực và ngành nghề có thể hoạt động hết khả năng của mình, để các doanh nghiệp châu Âu sẽ đóng góp lớn nhất có thể vào tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm