Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc chờ sự lan tỏa của đầu tư công, cũng như các chính sách mới, trước mắt các doanh nghiệp ngành xây dựng cần tự xoay xở tự cứu mình.
>>“Bấp bênh” ngành vật liệu xây dựng (Kỳ I): Doanh nghiệp vẫn trong “cơn bĩ cực”
Sau COVID-19 là tăng giá, sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS) khiến cho nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng rơi vào cảnh khó khăn.
Mặc dù đã lường trước thị trường có khó khăn, nhưng sụt giảm doanh thu của nhiều doanh nghiệp hiện nay là quá lớn. Đa số các doanh nghiệp hiện nay duy trì sản xuất từ 2-3 ngày hoặc là 1 nửa số thời gian trong 1 tuần. Nhiều doanh nghiệp phải cho nghỉ, sa thải, cơ cấu lại lao động.
Công ty CP Secoin (TP.HCM) trong tình trạng như vậy. Hiện sản lượng xuất khẩu của Công ty này sụt giảm 70% do ảnh hưởng của hậu COVID, chiến sự Nga- Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Còn đối với thị trường trong nước, sản lượng của Công ty sụt giảm 60% do sự khó khăn của các dự án BĐS.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện 40% doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất rơi vào tình trạng “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng. “Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào các dự án BĐS thì hiện nay "đứng hình" do các dự án BĐS ngừng một cách rất đột ngột”, ông Đinh Hồng Kỳ cho biết.
Không chỉ ở khu vực TP.HCM, tại Quảng Ninh nhiều doanh nghiệp cũng trong “cơn bĩ cực” như vậy. Bà Vũ Bích – Giám đốc Công ty Bê tông Quảng Ninh cho biết: “Trong nhiều năm hoạt động sản xuất và cung cấp bê tông cho ngành xây dựng, thì đây là thời kỳ có thể là khó khăn nhất. Đặc biệt, việc thu hồi vốn từ khách hàng thường xuyên bị chậm trễ và thậm chí nợ đọng rất lâu. Khó khăn này khiến cho doanh nghiệp không đủ năng lực để cung cấp, sản xuất. “Dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi không thể nào cải thiện được tình hình khi mà khoản nợ của chủ đầu tư lại càng tăng”, bà Bích chia sẻ.
Một số doanh nghiệp sản xuất gạch ngói chia sẻ: “Hiện giá than cục, than cám đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước ngày 17/3/2022. Trước đó, giá than chỉ 3,4 triệu đồng/tấn nhưng nay đã tăng lên 6,4 triệu đồng/tấn. Trong khi giá nhiên liệu để sản xuất thông thường chiếm 40% giá thành sản xuất của một viên gạch. Điều này đã khiến cho giá gạch tăng cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng của người dân đang giảm nên lượng gạch tồn kho của nhiều công ty đang rất lớn, có đơn vị gạch tồn kho lên tới 2,5 triệu m2”.
Cũng theo bà Vũ Bích, “Chúng tôi đang rất chờ đợi vào nguồn vốn công. Được biết, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công trong năm nay. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng trong nước”.
“Trong khi chờ sự lan tỏa của đầu tư công, thì trước mắt, các doanh nghiệp cần tự cứu mình, tự thân tìm các giải pháp giải quyết bài toán tài chính riêng cho doanh nghiệp. Đối với chúng tôi, việc tìm kiếm các công trình nhỏ, lẻ từ các hộ dân là “phao cứu sinh” ở thời điểm này, dù nhu cầu xây dựng ở Quảng Ninh không lớn”, bà Bích nói.
Tuy nhiên, ở TP.HCM, việc các doanh nghiệp tự cứu mình là khó hơn nhiều. Theo Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, thì hệ quả mà thị trường BĐS đóng băng, các dự án cũ và dự án mới đều không được triển khai trong suốt thời gian vừa qua đang đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp xây dựng vào thế điêu đứng, nguy cơ phá sản là rõ rệt. Hàng triệu lao động trong ngành không có công ăn việc làm; hàng hóa vật liệu xây dựng làm ra không có nơi tiêu thụ; các ngành dịch vụ khác đi theo cũng đóng cửa.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM mới đây đã gửi công văn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương “giải cứu” cho các doanh nghiệp trước nguy cơ đổ vỡ dây chuyền từ BĐS lan ra ngành xây dựng.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể, chi tiết. Trong đó có việc hoãn nợ, khoanh nợ, giãn nợ; tái cấp vốn cho vay các dự án khả thi…
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng các cấp, các ngành và địa phương cũng cần tập trung vào đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các lĩnh vực xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng. Đây chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Có thể bạn quan tâm