Quá trình áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT khiến nhiều doanh nghiệp “lúng túng” bởi khó xác định được cụ thể mặt hàng nào được giảm, theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định…
>>Giảm thuế VAT xuống 8%, người bán, người mua đều hưởng lợi
Theo đó, sau gần một tháng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định 15 của Chính phủ có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi xuất hóa đơn. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc bởi khó xác định được cụ thể mặt hàng nào được giảm, mặt hàng nào không được giảm.
Doanh nghiệp “lúng túng”
Theo các chuyên gia, để gỡ vướng cho doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định, đặc biệt đối với phần Phụ lục cần rõ ràng và bao quát tránh việc thiếu sót cũng như gây hiểu lầm đối với doanh nghiệp khi xác định hàng hoá thuộc diện giảm VAT hay không.
Cụ thể, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng là một chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%, áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong ba phụ lục đi kèm Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Trên thực tế, do Nghị định số 15/2022/NĐ-CP mới có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 nên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đang gặp phải hàng loạt vấn đề. Cụ thể, một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT hay không. Các doanh nghiệp gặp vướng mắc và khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Không chỉ vậy, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất.
Đặc biệt, kế toán các doanh nghiệp than khó trong quá trình áp dụng Nghị định này. Cụ thể như việc, nguyên vật liệu nhập khẩu của doanh nghiệp mình không được giảm thuế VAT, sản phẩm của doanh nghiệp không thuộc Phụ lục không được giảm thuế VAT thì sản phẩm của doanh nghiệp có được hưởng giảm thuế VAT hay không?
Hay như đối với một số lĩnh vực đặc thù như dịch vụ quảng cáo báo điện tử, các cơ quan báo chí hoạt động theo giấy phép xuất bản, không có đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp nên gặp khó khăn khi xác định dịch vụ quảng cáo trên báo điện tử có được áp dụng chính sách hay không?
Tương tự, với các hàng hóa được bàn giao và dịch vụ được hoàn thành trước thời điểm Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/2/2022) nhưng chưa được xuất hóa đơn, do đối soát công nợ sau ngày 1/2/2022, do nghỉ lễ Tết hoặc các lý do khách quan khác, thì hàng hóa, dịch vụ đó có được giảm thuế VAT xuống 8% hay không?
Không chỉ vậy, trong quá trình khai thuế, áp thuế, nhiều kế toán của các doanh nghiệp than phiền việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp liệu nằm trong danh mục hay không như “đánh đố”. Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ photo, khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%. Hay bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10% nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%...
Vì vậy, dù Nghị định 15/2022/NĐ-CP thực thi được gần một tháng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn rất lúng túng vừa dò danh mục vừa hoang mang, không biết chính xác hàng hoá của doanh nghiệp thuộc diện được giảm thuế suất còn 8% hay vẫn áp dụng mức 10% như cũ. Đặc biệt, với những doanh nghiệp có hàng nghìn mặt hàng, khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15/2022/NĐ-CP không khác gì “ma trận”.
Bên cạnh đó, điều 4, Nghị định 15/2022/NĐ-CP cũng quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì không được giảm thuế VAT. Như vậy, nếu doanh nghiệp chỉ bán hai mặt hàng nhưng cũng phải xuất hai hoá đơn…
>>Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%
Cần sớm sửa đổi Nghị định
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, Chính sách giảm thuế VAT xuống còn 8% rất thiết thực và mang lại hiệu quả trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thuý Hồng – Uỷ viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng việc ban hành Nghị định kèm theo phụ lục không khác gì đánh đố doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp nhốn nháo, một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT hay không.
“Vấn đề mà các doanh nghiệp đang vướng mắc ở đây là có những mặt hàng “lưỡng”. Ví dụ đối với kim loại, sản phẩm làm ra từ kim loại có mã được giảm VAT xuống 8% nhưng có mã không được giảm. doanh nghiệp phải tự xác định điều này nên rất rối” - bà Nguyễn Thuý Hồng nói.
Chẳng hạn như có 1 mã ghi kết cấu của sản phẩm làm từ kim loại nằm trong trong phụ lục nên không được giảm VAT. Trong khi đó mã sản phẩm nhôm kính thì lại được giảm vì không nằm trong phụ lục 1, 2, 3 của Nghị định 15. Nhưng sản phẩm nhôm kính cũng là kết cấu kim loại…
Để tránh rủi ro về thuế, doanh nghiệp buộc phải tự xác định rõ mã ngành chính của doanh nghiệp mình để tra cứ vào phụ lục I, II, III của Nghị định 15. Nếu không rơi vào các ngành hàng đã quy định trong 3 phụ lục đó thì sẽ được miễn giảm. Đặc biệt, đối với một số ngành đặc thù như báo chí không hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp thì cần có sự hướng dẫn chính thức từ cơ quan quản lý thuế. Bởi, nếu giảm sai sẽ bị phạt, mà không giảm cũng có thể bị phạt. Bà Hồng khuyến cáo.
Một vấn đề khác mà bà Hồng lưu ý là doanh nghiệp phải xác định đúng thời điểm ghi nhận doanh thu. Thời điểm phát sinh doanh thu đó là thời điểm hoàn thành, bàn giao và nghiệm thu. Nếu xác định sai về thời điểm ghi nhận doanh thu, sẽ sai về thuế suất.
Theo đó thời điểm ghi nhận phát sinh doanh thu trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 31/12 năm 2022 sẽ được giảm không phụ thuộc vào thời gian xuất hoá đơn.
Chẳng hạn, thời gian bắt đầu thực hiện hợp đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 thì hoàn thành, bàn giao và nghiệm thu bàn giao và xuất hoá đơn thì được giảm xuống 8%. Nhưng, thời gian bắt đầu thực hiện hợp đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2022 thì hoàn thành, bàn giao và nghiệm thu bàn giao và đến tháng 3/2022 (sau thời điểm Nghị định 15 có hiệu lực) mới xác nhận lại và xuất hoá đơn thì không được giảm xuống 8%. Bà Hồng lấy ví dụ.
Cùng quan điểm cần phải sửa đổi Nghị định, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Nghị định 15 chọn phương pháp tiến bộ hơn khi chỉ nêu những hàng hóa, dịch vụ không được giảm VAT. Tuy nhiên, phần phụ lục của Nghị định không rõ lại gây những cách hiểu khác nhau, khó khăn trong quá trình thực thi.
Do đó, theo các chuyên gia, để chính sách thực đi vào cuộc sống, gỡ khó cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần sớm xem xét sửa đổi Nghị định theo hướng giảm đồng đều, không phân biệt loại hàng hoá, dịch vụ.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập việc áp dụng giảm 2% thuế VAT: Cần sửa đổi Nghị định để gỡ vướng cho doanh nghiệp
00:21, 27/02/2022
Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%
11:00, 19/02/2022
Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
07:05, 18/02/2022
Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"
16:42, 17/02/2022