Những năm qua, kinh tế thủy sản được tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Đây là một trong những hành động cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông.
>>Phát huy tinh thần Đồng khởi trong xây dựng và phát triển Bến Tre
Với chiều dài bờ biển 65 km, Bến Tre có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre cho biết, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản của tỉnh Bến Tre luôn ở mức cao. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản phát của tỉnh triển khá mạnh, tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản khoảng 45.000 ha với tổng sản lượng nuôi khoảng 295.020 tấn.
Bến Tre đang đẩy mạnh triển khai phát triển các thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra… Đồng thời, thực hiện mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song với hoạt động nuôi trồng, nghề khai thác thủy sản ở Bến Tre cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 3.975 tàu cá đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 55%, sản lượng khai thác hằng năm trên 210.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với 3 huyện ven biển; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng của quốc gia.
Cơ sở hậu cần nghề cá cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề khai thác thủy sản với ba cảng cá, hai khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 32 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ và xưởng cơ khí công suất đóng mới 160 tàu/năm. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các cảng cá và chuyển đổi mô hình quản lý các cảng cá nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bến Tre đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ chế viến xuất khẩu với công suất thiết kế 150.000 tấn nhưng chủ yếu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ, châu Á...
Kế hoạch số 3004/KH-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh Bến Tre là đòn bẩy tạo ra sự đột phá mới trong phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2025, sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 144 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%, giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD.
Theo định hướng phát triển đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, thời gian tới, Bến Tre tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện biển. Mặt khác, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, tỉnh đã và đang triển khai các nhóm giải pháp như: tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng giống tôm biển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý môi trường, phát triển hoạt động chế biến tôm. Đến năm 2025, sản phẩm tôm biển ứng dụng công nghệ cao được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và tỷ lệ liên kết đạt trên 60%. Sản phẩm tôm biển công nghệ cao sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ASC, chiếm tỷ lệ trên 70%...
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, đến nay, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định. Tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.200 ha, năng suất bình quân 70 tấn/ha. Qua đó, đã tạo ra một lượng lớn hàng hóa thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động.
Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chủ trương đầu tư phát triển ngành thủy sản chủ lực theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Hiện tại, Bến Tre đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm… để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm