Bộ Công an vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương không phát triển thêm dự án condotel, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.
Qua đánh giá tình hình, Bộ Công an cho rằng, hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản trên diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp.
Trong khi đó, quy định pháp luật liên quan lại chưa đầy đủ, tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, rủi ro cho người mua, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Hiện nay, nhiều Bộ cho rằng đã đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý loại hình căn hộ condotel, biệt thự du lịch, officetel. Tuy nhiên, theo Bộ Công an thì thực tế việc đầu tư xây dựng, quản lý loại hình bất động sản trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các văn bản pháp luật hiện chưa giải quyết được.
Cũng theo Bộ Công an, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng người mua trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ; quản lý, thu hồi dự án khu hết thời hạn sử dụng đất của dự án.
Đồng thời, việc chưa rõ ràng trong việc cấp sổ đỏ này ảnh hưởng tới việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, nguy cơ mất an toàn hệ thống tín dụng do hầu hết các dự án căn hộ du lịch đều được chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất của dự án vay vốn ngân hàng.
Bất cập tiếp theo mà Bộ Công an chỉ ra đó là việc chuyển đổi sẽ gây áp lực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Bộ Công an dẫn thực tế tại dự án Our City (Hải Phòng) do Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam (100% vốn Hong Kong - Trung Quốc) đã có hàng trăm người Trung Quốc nhập cảnh qua đường du lịch, thuê căn hộ để tổ chức đánh bạc quy mô lớn.
Trong khi đó, quy định về quản lý, vận hành căn hộ condotel và tòa nhà hỗn hợp (căn hộ nhà ở và căn hộ du lịch) thiếu chặt chẽ chưa có vai trò của chủ đầu tư dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn tòa nhà.
Từ thực trạng trên, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó quy định tên gọi, hình thức quản lý, kinh doanh, cho thuê đối với condotel, biệt thự du lịch, officetel…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành các tòa nhà hỗn hợp. Bộ TNMT nghiên cứu sửa đổi quy định về phân loại đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc triển khai các dự án condotel, biệt thự du lịch, officetel tại một số địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên, phát hiện đề xuất xử lý.
Còn đối với UBND các địa phương, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án trên từ khâu quy hoạch dự án, cấp phép sử dụng đất, cấp phép xây dựng đến việc quản lý kinh doanh, vận hành, quản lý cư trú đối với cá nhân, tổ chức sử dụng căn hộ condotel, biệt thự du lịch, officetel.
Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch. Không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). Trong đó có 48 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ và 3.359 biệt thự đang triển khai xây dựng.
Báo cáo của 34 tỉnh, TP gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I-2020 có năm dự án BĐS được cấp phép đầu tư với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép. Loại hình căn hộ du lịch mới hình thành ở nước ta nhưng đang phát triển rất nhanh, chủ yếu ở các vùng ven biển.
Trước đó, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Bộ TN&MT được Chính phủ giao ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (condotel, resort, officetel…).
Chiểu theo văn bản trên, Bộ TN&MT đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ TN&MT đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án. Thời hạn sử dụng của loại hình là 50-70 năm.
Có thể bạn quan tâm
17:39, 03/04/2020
11:30, 21/03/2020
09:54, 05/03/2020
13:15, 01/03/2020
06:00, 29/02/2020