Tại phiên thảo luận chiều nay, một số ý kiến đã đề nghị Chính phủ trong chương trình xây dựng luật trong thời gian tới cần sớm trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công.
Quá nhiều quy định khó thực hiện
Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) cho biết theo quy định hiện nay, quá nhiều quy định khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được như mỗi dự án phải thẩm định về vốn, có vốn thì mới có căn cứ để phê duyệt dự án mà phải có dự án thì mới được bố trí vốn. Quy trình để chuẩn bị đầu tư chuẩn bị dự án, điều chỉnh dự án cần qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 19/06/2014
00:00, 27/05/2014
00:00, 28/11/2013
Đại biểu Ninh đồng thời đề nghị sửa Luật Đất đai theo hướng thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng, hài hòa với lợi ích của người dân, nhà đầu tư và nhà nước. Khi dự án có hiệu quả, người về ở tái định cư được hưởng hiệu quả của dự án mang lại.
Trước tình trạng di dân phục vụ công trình thủy điện, ông Ninh cũng đề nghị Chính phủ giải quyết căn bản ổn định dân cư, di dân tái thủy điện, xây dựng các thủy điện. "Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành từ năm 1994 đến nay vẫn chưa giải quyết xong". - ông Ninh nêu vấn đề.
Có thể bạn quan tâm |
Trong thực hiện chương trình ODA, theo Luật Đầu tư công, tiến độ, chương trình dự án thực hiện theo hiệp định ký kết, nhưng theo Luật Ngân sách nhà nước thì lại thực hiện theo kế hoạch vốn được giao. Nếu kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm theo tiến độ hiệp định thì không sao nhưng hiện nay, nhiều dự án vốn trung hạn không bảo đảm theo tiến độ hiệp định. Trong báo cáo của Chính phủ về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018 có nêu vấn đề này nhưng không có số liệu về số dự án và số vốn thiếu so với hiệp định. Trong thời gian qua, nhiều dự án đúng tiến độ hiệp định nhưng không có vốn, có công trình bị dở dang, chậm tiến độ vì phải đợi vốn. Chủ đầu tư lo lắng vì sau năm 2020, khi Hiệp định hết hạn thì không có vốn sử dụng tiếp. Nhiều nhà tài trợ băn khoăn về cách bố trí vốn.
Trong tình hình trên, đại biểu Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát tình hình thực hiện chương trình, dự án vốn ODA đã được giao ở kế hoạch vốn trung hạn, bảo đảm đủ vốn cho các dự án này theo hiệp định đã ký, có thể điều chỉnh, điều hòa vốn của các dự án trong tổng vốn đã giao, không chỉ nội bộ một tỉnh mà còn nội bộ một ngành. Đồng thời, ưu tiên vốn cho tiến độ các dự án giải ngân tốn, cân đối điều hòa chuyển vốn trái phiếu nếu chưa giải ngân được sang làm vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA. Theo Báo cáo chính phủ, nợ công 2017 là 61,4% GDP. Dự kiến cuối năm 2018 vẫn là 61,4%.
“Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục cho lựa chọn dự án quan trọng cần thiết để đàm phán, ký kết bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch 2016-2020 vốn ODA và cho các năm sau”, đại biểu Ninh nhấn mạnh.
6 kiến nghị liên quan
Trong khi đó, đại biểu Thạch Phương Bình (Trà Vinh) đã đưa ra 6 kiến nghị tới Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ, trong đó đại biểu Bình đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cho người dân, tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ công tác giải ngân, quản lý chặt tài sản công, đất công, sửa đổi Luật Đầu tư công.
Đại biểu Bình đề xuất Quốc hội quan tâm bố trí vốn để thực hiện các chính sách dân tộc, trong bố trí vốn phải thể hiện tính ưu tiên cho các địa phương về việc lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêc quốc gia nông thôn mới để thực hiện chính sách giảm nghèo, tháo gỡ khó khăn cho luật đầu tư công khi thực hiện chính sách dân tộc.
Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét về chính sách dân tộc đối với các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh niên.
Theo đại biểu Bình, luật quy hoạch đã được Quốc hội thông qua năm 2017, đồng thời Chính phủ đã ban hành nghị quyết Nghị quyết 11 triển khai thực hiện luật quy hoạch, trong đó cho phép UBND cấp tỉnh tổ chức luật quy hoạch theo điều 21/2030 ngay trong năm 2018, tuy nhiên hiện nay chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết cơ chế tài chính, thẩm định, công bố quy hoạch,... "Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm ban hành hướng dẫn cụ thể". - ông Bình đề nghị.