Cần tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

YẾN NHUNG 30/04/2024 04:00

Cùng với những khó khăn về thị trường, nguồn vốn cũng là một trong những nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, do đó cần có chính sách, giải pháp để tháo gỡ.

>> Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo

Thực tế cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam quý I vừa qua đạt gần 2,2 triệu tấn, là quý I có lượng gạo xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Nhu cầu thị trường thế giới tăng đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức bình quân hơn 529 USD/tấn, tăng gần 9% (gần 43 USD/tấn) so với cùng kỳ. Đặc biệt, kết quả riêng tháng 3 đã lập kỷ lục mới về khả năng xuất khẩu trong 1 tháng của Việt Nam khi đạt tới hơn 1,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, vẫn còn đó không ít hạn chế. Khó khăn hiện nay là hiện tượng thời tiết, rủi ro kinh tế, chính trị, chính sách xuất nhập khẩu lương thực, tâm lý thận trọng trên thị trường trong nước và quốc tế tiếp tục kéo dài, buộc các thương lái, kho vệ tinh lẫn doanh nghiệp đều phải giao dịch rất thận trọng khi chỉ tiến hành cung ứng, ký kết các đơn hàng giao ngắn ngày.

nguồn vốn cũng là một trong những nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Nguồn vốn được cho là một trong những nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Cùng với đó, khó khăn tín dụng vẫn là vấn đề lớn nhất được cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo quan tâm.Vì vậy, doanh nghiệp và các chuyên gia kiến nghị, cần có chính sách, giải pháp để tháo gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo có 2 loại vốn cần quan tâm. Đầu tiên là vốn trong ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu.

“Đối với dòng vốn này, lãi suất cao đang là rào cản. Vì vậy các ngân hàng cần có chính sách kịp thời cho doanh nghiệp lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lí thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn”, đại diện Tập đoàn này chia sẻ.

>> Giá lương thực toàn cầu trái chiều, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ ra sao?

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách, giải pháp để tháo gỡ - Ảnh minh họa: ITN

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách, giải pháp để tháo gỡ - Ảnh minh họa: ITN

Mặt khác, trong việc đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo một cách bền vững, theo ông Trương Sỹ Bá, vốn ngắn hạn chỉ là phần ngọn. Để quy hoạch phát triển, nhà nước cần có chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo trung dài hạn. Theo đó, nguồn vốn này đầu tư từ gốc như giống, vật tư nông nghiệp đến thu hoạch chế biến, vận chuyển…

“Thế nhưng trên thực tiễn lãi ngân hàng trung dài hạn hiện nay chưa hợp lí. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư trung dài hạn”, ông Bá đề nghị.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức các hội nghị đối thoại song phương với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin được chia sẻ và tiếp nhận đúng với trọng tâm và phù hợp với thực tiễn của ngành lúa gạo Việt Nam.

Ngoài ra, ông Nam cũng đề xuất đánh giá lại đặc thù thổ nhưỡng của từng vùng canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vai trò của từng mắt xích trong chuỗi cung ứng lúa gạo toàn vùng, tránh tình trạng đánh giá cục bộ theo từng địa phương.

“Cần nhìn nhận lại và chấp nhận vai trò của thành phần hàng xáo và có cơ chế quản lý đối với lực lượng này. Đồng thời, quản lý chặt đầu vào, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đề đảm bảo chất lượng lúa gạo”, Chủ tịch VFA kiến nghị.

Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay, trong đó có vấn đề chính sách tín dụng.

Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Đồng thời, Bộ đang điều hành đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

“Bộ sẽ sớm trình Chính phủ ban hành đề án Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo

    Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo

    03:20, 29/04/2024

  • Giá lương thực toàn cầu trái chiều, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ ra sao?

    Giá lương thực toàn cầu trái chiều, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ ra sao?

    03:00, 24/04/2024

  • Đề xuất giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

    Đề xuất giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

    11:00, 04/03/2024

  • Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024

    Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024

    03:30, 29/12/2023

  • Xuất khẩu gạo

    Xuất khẩu gạo "lập đỉnh" và yêu cầu phát triển bền vững

    10:00, 18/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO