Để tạo cơ sở pháp lý để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng, ưu tiên... nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Hệ thống pháp luật nước ta từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản bao quát đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, trở thành lực cản đối với yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Hệ thống pháp luật chưa đủ linh hoạt để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn…
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã có các quy định cụ thể về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, quy định cơ chế sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản trong trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn có thể thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn hoặc trình tự, thủ tục đặc biệt khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Thế nhưng, các quy định này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh nhanh, cấp bách từ thực tiễn, đặc biệt là trong một số lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế và tăng trưởng như đầu tư công, xây dựng, đất đai, môi trường, tài chính, ngân sách… khi có sự chồng chéo, xung đột pháp luật hoặc khi chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng.
Để giải quyết thực trạng đã nêu, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Dự thảo Nghị quyết được bố cục gồm 07 Điều: Điều 1 - quy định về phạm vi điều chỉnh; Điều 2 - quy định cụ thể các tiêu chí xác định khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp luật đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;
Điều 3 - quy định về các nguyên tắc khi xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Các nguyên tắc này đóng vai trò định hướng cho quá trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý khó khăn, vướng mắc, tránh tình trạng xử lý tùy tiện, chồng chéo, gây khó khăn trong thực thi. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, cũng như giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ;
Điều 4 - quy định về các phương án xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; Điều 5 - quy định quy trình xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; Điều 6 - quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết đối với các cơ quan; Điều 7 - quy định về điều khoản thi hành.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Thanh Tú, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, từ đó sẽ tạo cơ sở pháp lý để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng, ưu tiên, cấp bách cần xử lý ngay để kịp thời khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh.
Đồng quan điểm với đại diện cơ quan soạn thảo, tham gia góp ý, đại diện nhiều bộ ngành đểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên, để Dự thảo được hoàn thiện, các ý kiến đề nghị chỉnh lý một số nội dung tại Điều 4 Dự thảo theo hướng ưu tiên sửa đổi các Luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tính đồng bộ…
Liên quan đến vấn đề xử lý khó khăn, vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, góp ý khoản 4 Điều 4 Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong nhiều trường hợp, các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật phụ thuộc vào các quy định tại văn bản cấp Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh. Việc sửa các vướng mắc tại văn bản dưới Luật phụ thuộc vào việc sửa của văn bản cấp Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh.
Do đó, trong các trường hợp những vướng mắc, bất cập xuất phát từ văn bản Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh thì các văn bản pháp luật phải sửa đổi tương ứng sau khi Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh được sửa đổi. Trường hợp các vướng mắc, khó khăn do quy định tại văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, thì việc đặt ra thời hạn giải quyết trong năm 2025 và 2026 là hợp lý.
Xuất phát từ tính chất đã nêu, VCCI đề nghị phân tách khoản 4 thành hai trường hợp, nếu khó khăn, vướng mắc tại văn bản dưới Luật và phụ thuộc vào quy định tại văn bản cấp Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định này đồng thời với sửa đổi Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến tại phiên họp ngày 20/6 tới đây, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.