Chặn gian lận hóa đơn điện tử

KHÔI NGUYÊN 27/04/2023 03:00

“Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này thay đổi địa chỉ liên tục, khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động…”.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) về những khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử trong thời gian qua.

>>Áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Xử phạt nếu “chây ì”

Khách hàng thanh toán tiền mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall, quận Long Biên, Hà Nội.

Khách hàng thanh toán tiền mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo đó, thực hiện Luật Quản lý thuế, ngày 21/4/2022 vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, góp phần cùng ngành Tài chính và Chính phủ đạt được các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục đã nhận thấy sự xuất hiện một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm chiếm đoạt tiền thuế.

Theo ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế), các đối tượng gian lận hoá đơn thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp, hoặc mua lại doanh nghiệp đã hoạt động được một thời gian, sau đó đăng kí, hoặc thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật để xuất bán hóa đơn trong một thời gian ngắn (trên dưới 1 năm) và ngừng hoạt động để tránh việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này thay đổi địa chỉ liên tục, khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động...Thậm chí có những doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh, mà chỉ với mục đích bán hóa đơn để trục lợi, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, không có hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ thật.

“Các doanh nghiệp trên thường có những dấu hiệu như: Giả mạo hồ sơ đăng kí doanh nghiệp; không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí; thay đổi thông tin đăng kí thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lí trực tiếp; thay đổi thông tin người đại diện pháp luật bằng hình thức “mua lại doanh nghiệp” đã thành lập, nhưng trên thực tế không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng không hiệu quả để thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn; người nộp thuế đăng kí tạm ngừng, khôi phục tạm ngừng nhiều lần”, ông Cường chia sẻ.

Được biết, thời gian qua để xử lí thực trạng trên, ngành thuế đã đề nghị cơ quan công an tăng cường phối hợp trao đổi cung cấp thông tin khi ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cho cơ quan thuế. Về phía các địa phương, các cục thuế thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật danh sách rủi ro cao giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế để đánh giá thực tế hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó thống nhất các giải pháp quản lí, ngăn chặn hoạt động gian lận về hóa đơn và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Trao đổi về nội dung này, Cục trưởng Vũ Mạnh Cường khẳng định, Cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như hải quan, ngân hàng… xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lí theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi vi phạm về hóa đơn.

>>Hoàn thiện pháp lý để bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Cũng chia sẻ về giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử với chức năng phân tích dữ liệu, phục vụ cho công tác quản lí rủi ro về hoá đơn điện tử trong toàn ngành thuế. Với hệ thống này, công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc phân tích ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa, từ đó xác định hóa đơn có giá mua bán bất thường.

Với hàng tỉ hóa đơn và đa dạng hàng hóa, dịch vụ khác nhau, khi cần tập trung kiểm soát những hàng hóa trọng điểm rủi ro, công cụ sẽ giúp cơ quan thuế lọc được những hóa đơn mua bán mặt hàng trọng điểm để phân tích chuyên sâu.

Nhiều trường hợp gian lận hoàn thuế qua xuất khẩu đã nâng khống giá hàng hóa xuất khẩu gấp hàng chục lần. Theo đó, việc kiểm soát giá bất thường giúp sàng lọc các trường hợp cần giám sát, giúp ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế.

Ông Mai Xuân Thành cũng cho biết, với việc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử giúp cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lí thuế, quản lí hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn.

“Ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền cảnh báo đến các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ sớm, từ xa; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý hóa đơn điện tử”, ông Mai Xuân Thành nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Xử phạt nếu “chây ì”

    Áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Xử phạt nếu “chây ì”

    03:00, 21/02/2023

  • Hoàn thiện pháp lý để bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

    Hoàn thiện pháp lý để bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

    03:30, 17/02/2023

  • Phân tích, đánh giá để phát hiện sớm gian lận hóa đơn điện tử

    Phân tích, đánh giá để phát hiện sớm gian lận hóa đơn điện tử

    17:00, 04/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chặn gian lận hóa đơn điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO