Chiêu tiếp thị "cởi" hay hay dở?

QUÂN BẢO 10/03/2024 02:00

Tiếp thị bằng cách cởi đã xuất hiện nhiều lần. Có lần “cởi” hay, có lần “cởi” dở. Chủ yếu là do mục đích, cách làm và thông điệp mà thương hiệu muốn tạo nên.

>>Heineken “mạnh tay” tiếp thị bia không cồn

Vừa qua, cửa hàng cà phê A.C. chi nhánh Láng Hạ, Hà Nội gây xôn xao khi cho nam nhân viên cởi trần, chỉ mặc tạp dề để phục vụ khách hàng. Họ quảng cáo đây là “món quà” dành tặng phái nữ và chỉ diễn ra trong ngày 8/3. Những hình ảnh này vừa được chia sẻ lên các kênh mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng xôn xôn và hào hứng thảo luận. Bản thân những khách hàng được trải nghiệm dịch vụ này (dù chủ động hay bị động) cũng đưa ra các ý kiến rất trái chiều.

Có những người phản cảm với phong cách phục vụ này. Một nữ khách hàng ở độ tuổi trung niên cho biết mình hẹn gặp đối tác tại quán này vào đúng ngày 8/3 và rất bất ngờ khi thấy các nhân viên nam cởi trần. Cô chia sẻ rằng mình từng đến quán nhiều lần, chọn quán vì thiết kế sang trọng và mong muốn được phục vụ theo cách lịch thiệp. Vậy nên cô không thoải mái với phong cách cởi trần.

Những cặp đôi chọn quán cà phê này cho ngày 8/3 cũng ngạc nhiên không kém. Một nam thanh niên tại Hà Nội chia sẻ rằng anh và bạn gái không được thông báo trước về phong cách phục vụ này, vậy nên họ cảm thấy không thoải mái khi các nam nhân viên cứ cởi trần và đi qua đi lại.

Một số người khác quan tâm về vấn đề vệ sinh. Cụ thể, họ cho rằng những nam phục vụ khi cởi áo sẽ không bảo đảm vệ sinh, dễ dính mồ hôi lên đồ uống của khách.

Ở phía kia chiến tuyến, một số khách hàng lại khá thích thú với phong cách mới lạ này.

Chẳng hạn, một bạn trẻ đến từ Hàn Quốc chia sẻ rằng chính phong cách dịch vụ táo bạo và dàn nhân viên ưa nhìn là điều thu hút khách hàng của quán. Cô hy vọng quán duy trì dịch vụ này để đem lại niềm vui cho khách hàng, đồng thời hé lộ rằng mình từng tham gia một buổi trình diễn thời trang có dàn mẫu nam 6 múi cởi trần biểu diễn.

Hoặc có rất nhiều khách hàng khác đọc được thông tin trên mạng xã hội đã cùng nhau kéo đến trải nghiệm dịch vụ, xem như đây là món quà tinh thần cho ngày 8/3. Họ chia sẻ rằng tại Thái Lan, có rất nhiều quán phục vụ và lôi kéo khách hàng bằng những nhân viên ăn mặc sexy. Vậy nên đây cũng là một cách để cửa hàng tăng lượng khách, những người yêu thích các dịch vụ mới lạ và táo bạo này.

Trên thực tế, việc “cởi” đã xuất hiện khá nhiều, cả ở những nước phương Tây lẫn những nước Á Đông. Việt Nam ít hơn, nhưng cũng chưa phải chưa từng có. Cùng là cởi, thế nhưng có cái được khen, có cái bị chỉ trích rất nhiều. Chủ yếu là do cách thực hiện và thông điệp mà thương hiệu muốn nhắn gửi qua việc cởi này.

Nói đến cởi được khen thì có Tổ chức Bảo vệ Động vật PETA. Năm 1990, họ từng tung ra chiến dịch truyền thông “Tôi thà cởi truồng còn hơn mặc đồ lông thú” (I’d rather go naked than wear fur). Họ cho nhiều người nổi tiếng chụp hình khỏa thân và tổ chức các cuộc diễu hành khỏa thân trên phố để thể hiện thông điệp.

Không ai thấy phản cảm với chiến dịch này, bởi vì việc “cởi” trong chiến dịch là thành phần cần thiết, là hành động thể hiện được thông điệp có ý nghĩa, hướng đến mục tiêu cực kỳ phù hợp với PETA, một tổ chức hành động vì động vật. Thậm chí đây còn được xem là một trong những chiến dịch thành công nhất của PETA và kéo dài đến tận 30 năm.

Ngược lại, nếu cởi chỉ để gây sốc, thu hút sự chú ý thì rất dễ bị phản cảm.

Chẳng hạn năm 2012, hãng đồ lót Etam cho 3 người mẫu mặc đồ lót đi dạo trong bảo tàng Musee d’Orsay, Paris (Pháp). Ba cô người mẫu chỉ đơn giản là mặc đồ lót và đi xung quanh bảo tàng, đan xen giữa dòng khách tham quan. Hành động này không thể hiện bất kỳ một thông điệp gì, ngoại trừ việc khiến người ta chú ý. Kết quả là Etam đã nhận về rất nhiều chỉ trích, đồng thời đối mặt với đơn kiện của bảo tàng.

Hoặc ở Việt Nam vào tháng 12/2021 cũng từng xôn xao vụ ông già Noel cởi trần của Vua Nệm. Cụ thể, thương hiệu này cho một nhóm mẫu nam mặc đồ ông già Noel nhưng cởi trần, cầm theo banner quảng cáo chuỗi Vua Nệm và chụp hình trên khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Fanpage chính thức của Vua Nệm cũng đăng tải công khai các hình ảnh này.

Việc tiếp thị “cởi” như vậy rõ ràng không đưa ra được thông điệp gì cho khách hàng và người xem. Vậy nên ngoài được bàn tán xôn xao, Vua Nệm cũng nhận về không ít ý kiến chỉ trích. Không chỉ vậy, họ còn bị cơ quan chức năng xử phạt 137 triệu đồng với 3 lỗi vi phạm liên quan đến quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, không thông báo kế hoạch quảng cáo và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Nếu đem tiêu chí “cởi” có liên quan và “cởi” cần thiết, “cởi” có thông điệp áp dụng vào trường hợp quán cà phê A.C., thì rõ ràng chiến dịch cởi ngày 8/3 của họ không đáp ứng được. Mặc dù phía thương hiệu có nói rằng chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và có thông báo trước để khách hàng chủ động cân nhắc, thế nhưng ý kiến chỉ trích và sự phản cảm là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì việc cởi của A.C. không đem lại thông điệp gì cho quán, chỉ là cách hút mắt nhằm gây chú ý vào một ngày đặc biệt trong năm.

Có thể bạn quan tâm

  • 8 chiến dịch tiếp thị về phụ nữ kinh điển (Phần 1)

    8 chiến dịch tiếp thị về phụ nữ kinh điển (Phần 1)

    02:45, 07/03/2024

  • 8 chiến dịch tiếp thị về phụ nữ kinh điển (Phần 2)

    8 chiến dịch tiếp thị về phụ nữ kinh điển (Phần 2)

    03:03, 08/03/2024

  • Sự tiến hóa của tiếp thị khách sạn

    Sự tiến hóa của tiếp thị khách sạn

    02:00, 12/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiêu tiếp thị "cởi" hay hay dở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO