Chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc còn yếu

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 23/11/2022 15:55

Được đánh giá là ngành có tầm quan trọng đối với an sinh xã hội và đời sống người dân, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc còn yếu…

>> Giải pháp thúc đẩy số hóa ngành dược

Theo đó, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, đẩy mạnh khai thác nguồn công nghệ quốc tế, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý, ngày 23/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược tại Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược tại Việt Nam”

Toàn cảnh Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược tại Việt Nam”

Thông tin tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, ngành dược có tầm quan trọng đối với an sinh xã hội, sự ổn định của đời sống xã hội và mỗi người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.  Mặc dù Quyết định 376/QĐ-TTg của Chính phủ đã đề ra nhiều ưu đãi đối với các dự án, hoạt động chuyển giao công nghệ với thuốc biệt dược gốc, tuy nhiên, cho đến nay các ưu đãi này chưa được thực hiện.

“Các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh rất hạn chế do các ưu đãi chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam…”, ông Tuấn chia sẻ.

ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin tại Hội thảo

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin tại Hội thảo

Đồng quan điểm đã nêu, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho hay, tại Việt Nam, trong số các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ có các doanh nghiệp sản xuất dược liệu thiên nhiên, thực phẩm chức năng, còn thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, khẩn cấp mang tính điều trị, Việt Nam còn vắng bóng.

“Như vậy, việc chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là biệt dược còn rất yếu”, ông Quất đánh giá.

ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại Hội thảo

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại Hội thảo

Theo ông Quất, nếu không có những đột phá về chính sách, thúc đẩy đầu tư thì tình trạng sản xuất gia công (dược phẩm) vẫn phổ biến tại Việt Nam. Chưa kể, khi chuyển giao công nghệ xong sẽ coi đây là thuốc sản xuất trong nước, tuy nhiên, chính sách đối với sản phẩm sản xuất trong nước hiện nay cũng khác với thuốc xuất khẩu, đó là khó khăn khi mở rộng thị trường. 

Thông tin về sản xuất thuốc hiện nay, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam có 228 đơn vị sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; Trong số 25.000 loại thuốc đang được cấp phép lưu hành trong toàn quốc do đơn vị trong nước sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ không cao, chữa các bệnh lý thông thường, bệnh lý thể nhẹ.

“Ngoài ra, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu. Chuyển giao công nghệ trong công nghiệp dược gần như không có; gia công cho nước ngoài rất ít ỏi và hiện chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước. Nguyên do là các điều kiện pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, vì thế chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi luật về công nghiệp dược”, ông Tạ Mạnh Hùng chia sẻ.

ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin về hiện trạng sản xuất thuốc trong nước

Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin về hiện trạng sản xuất thuốc trong nước

Theo ông Hùng, Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030 - 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

“Định hướng chương trình 376 cũng nêu rõ, giai đoạn 2030 - 2045 phải đạt việc người dân Việt Nam được dùng thuốc tốt do Việt Nam sản xuất và hướng đến cả xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD”, ông Tạ Mạnh Hùng chia sẻ.

Hội thảo cũng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước về chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam

Hội thảo cũng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước về chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc

Bên cạnh những ý kiến đã nêu, Hội thảo cũng lắng nghe những đánh giá, góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước trong xây dựng và phát triển thị trường dược tại Việt Nam.

Trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng, thời gian qua, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc diễn ra nhiều nơi, điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược, làm sao để sản xuất trong nước vững chắc và mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Đặc biệt, cần có lộ trình giữ giá, giảm giá thuốc phát minh để thu hút doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam; áp dụng cơ chế mua sắm phù hợp, đàm phán giá theo mức độ thực hiện chuyển giao công nghệ, lộ trình giảm giá theo số lượng giá trị thuốc phát minh sản xuất tại Việt Nam; rà soát các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc sản xuất tại Việt Nam, tăng tỷ lệ và giá trị thuốc sản xuất trong nước trong danh sách thuốc thanh toán BHYT; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ưu tiên áp dụng quy trình thẩm định cấp phép nhanh với thuốc thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước.  

Được biết, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng lên 5,1 tỷ USD năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược Việt Nam ở cấp độ 3 (cấp có ngành công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm).

Có thể bạn quan tâm

  • AstraZeneca sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam

    AstraZeneca sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam

    03:00, 06/06/2022

  • T&T Group sẽ nhận chuyển giao công nghệ sản xuất “chu trình đầy đủ” vắc xin Sputnik V từ đối tác Nga

    T&T Group sẽ nhận chuyển giao công nghệ sản xuất “chu trình đầy đủ” vắc xin Sputnik V từ đối tác Nga

    09:49, 02/12/2021

  • Nhận diện thách thức chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19

    Nhận diện thách thức chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19

    05:02, 21/08/2021

  • Traphaco khởi động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 với Daewoong

    Traphaco khởi động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 với Daewoong

    15:20, 19/08/2021

  • Chân dung đối tác chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 của Vingroup tại Mỹ

    Chân dung đối tác chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 của Vingroup tại Mỹ

    11:17, 04/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc còn yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO