Mô hình ngân hàng số có lẽ là khả thi nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đó là việc một fintech mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực ngân hàng và thành lập một ngân hàng số...
>>> Cơ hội cho ngân hàng số ở Việt Nam (kỳ 1): Xu thế tất yếu của kinh tế số
Ngân hàng số có thể được hiểu là sự giao thoa của fintech và ngân hàng. Khi đứng trên quan điểm vận hành thì ngân hàng số có thể coi là một fintech cung cấp các sản phẩm ngân hàng, hoặc đứng trên quan điểm sản phẩm thì ngân hàng số là ngân hàng hoạt động trên nền tảng số. Do đó, một ngân hàng số có thể là hệ quả của sự mở rộng của một fintech hay một ngân hàng đang hoạt động hoặc cũng có thể xuất hiện độc lập.
Mô hình ngân hàng số phát triển từ các ngân hàng truyền thống khi các ngân hàng truyền thống vẫn đang thống trị ngành ngân hàng toàn cầu với khối tài sản khổng lồ và nền tảng khách hàng rộng lớn. Tuy nhiên, áp lực phải thay đổi để cạnh tranh với các fintech và các ngân hàng số đang trở nên ngày càng gay gắt. Các ngân hàng số được thành lập bởi các ngân hàng truyền thống có những lợi thế nhất định so với những ngân hàng số độc lập khi phép cung ứng toàn bộ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của ngân hàng mẹ, tiết kiệm được thời gian và chi phí trước khi đi vào hoạt động.
Các ngân hàng số này có điểm tựa tài chính vững chắc hơn so với các ngân hàng số độc lập nên sẽ dễ dàng trang trải những chi phí trong thời gian đầu hoạt động, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh bằng gia tăng thị phần và cơ sở khách hàng trong giai đoạn gia nhập thị trường. Ngoài ra là những lợi thế vô hình từ ngân hàng mẹ như nhận diện thương hiệu rõ nét hơn cũng là lợi thế. Tuy nhiên, để thành lập một ngân hàng số như một bộ phận của một ngân hàng truyền thống đòi hỏi sự đầu tư lớn về các chi phí thiết lập mô hình kinh doanh mới với hai vấn đề lớn là công nghệ và nhân lực.
Mô hình ngân hàng thách thức ra đời tại Vương quốc Anh kể từ Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Khi đó các ngân hàng thách thức là các ngân hàng bán lẻ nhỏ, mới thành lập, cạnh tranh với các ngân hàng lâu đời hơn, đôi khi bằng cách chuyên về các lĩnh vực mà các ngân hàng lớn đương nhiệm không phục vụ. Các ngân hàng thách thức phân biệt mình với các ngân hàng truyền thống bằng cách sử dụng công nghệ tài chính hiện đại, chẳng hạn như hoạt động chỉ trực tuyến hoặc thậm chí chỉ di động, tránh chi phí và sự phức tạp của ngân hàng truyền thống thông qua các chi nhánh.
>>> Cơ hội cho ngân hàng số ở Việt Nam (kỳ 2): Các nhà băng đã sẵn sàng ra sao?
Tuy nhiên, các ngân hàng thách thức cũng đứng trước những rủi ro đáng kể trong quá trình hoạt động của mình như vấn đề tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền, sự thiếu lòng tin và tự tin của khách hàng, áp lực về chi phí vốn và rủi ro an ninh mạng, tính an toàn và bảo mật của dữ liệu, tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro…
Mô hình ngân hàng số xuất phát từ fintech là ngân hàng số thành lập từ sự mở rộng của các fintech hay nói cách khác là các fintech được phép cung cấp các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng. Ở hầu hết các quốc gia, các fintech xuất hiện đầu tiên ở các lĩnh vực tài chính đơn giản như thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ ví điện tử … Nhưng khi càng có nhiều fintech xuất hiện và thị phần bị thu hẹp thì các fintech buộc lòng phải có chiến lược chuyển hướng kinh doanh sang những lĩnh vực khác có tiềm năng hơn là cung ứng dịch vụ ngân hàng chủ yếu cho các đối tượng khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Không giống như hai mô hình trên, các ngân hàng số được xây dựng bởi các fintech có lợi thế về công nghệ và đội ngũ nhân viên trình độ cao, có kinh nghiệm trong vận hành các dịch vụ tài chính trên nền tảng số.
Trên môi trường số, công ty fintech có thể phát triển những sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ sẵn có mà không tốn quá nhiều chi phí. Các công ty fintech còn có ưu thế hơn ở khả năng bảo mật thông tin khách hàng và sức kháng cự tốt hơn đối với các cuộc tấn công mạng khiến cho niềm tin vào tính an toàn của công ty trong mắt khách hàng được nâng cao. Khi các fintech xây dựng ngân hàng số, trở ngại lớn nhất chính là việc xin giấy phép hoạt động ngân hàng, giấy phép đối với sản phẩm, dịch vụ và giấy phép quản trị rủi ro. Hoạt động ngân hàng có mức độ phức tạp và rủi ro cao hơn nhiều đối với những nghiệp vụ mà các fintech vốn đang thực hiện. Do đó, việc cấp các giấy phép liên quan tới việc chuyển hướng sang mô hình ngân hàng số sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian.
Ngoài ra, các công ty fintech thường không bị giám sát chặt chẽ như các ngân hàng truyền thống nhưng khi mở rộng sang mô hình ngân hàng số, các fintech sẽ phải đối mặt với các chi phí tuân thủ đến từ cơ quan quản lý bao gồm cả việc xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro lớn hơn, chi tiết hơn so với hiện tại nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc thù trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, các fintech phải tính tới vấn đề an toàn hệ thống. Tất cả các ngân hàng được yêu cầu đảm bảo rằng họ có đủ vốn và các công cụ vốn mà họ phát hành đáp ứng các tiêu chí về tính đủ điều kiện kỹ thuật được quy định trong các quy tắc. Điều thứ hai liên quan đến bên "tài sản" của bảng cân đối kế toán và đặc biệt liên quan đến các ngân hàng cần tính toán nhu cầu an toàn vốn của họ dựa trên quy mô và tính chất của sổ kinh doanh. Các quy định này rất phức tạp và nếu sai có thể dẫn đến lỗi báo cáo theo quy định và có khả năng thâm hụt vốn.
Điểm khác biệt nhất của một ngân hàng số xuất phát từ fintech đó là việc hoạt động trong một hệ sinh thái công nghệ do các fintech thiết lập. Đây chính là bằng chứng về hiệu quả của hiệu ứng mạng lưới trong kinh tế số. Các fintech không hoạt động đơn lẻ hay giới hạn trong một vài sản phẩm nhất định mà luôn tìm cách tăng độ bao phủ tới nhiều sản phẩm dịch vụ nhất.
Ví dụ như ví Momo tại Việt Nam, vừa là đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển tiền, thanh toán hàng hóa, dịch vụ, nạp thẻ điện thoại, xổ số, quyên góp từ thiện … Dịch vụ ngân hàng được tích hợp vào sẽ trở thành một phần của hệ sinh thái, hiện diện trong việc tăng cường bán chéo sản phẩm giữa các cấu phần của hệ sinh thái và đem lại sự tiện lợi chung cho khách hàng khi sử dụng một mạng lưới các ứng dụng trên cùng một nền tảng duy nhất. Ngân hàng số sẽ đem lại giải pháp bổ sung cho các dịch vụ tài chính mà fintech vốn đang cung cấp nhằm hoàn thiễn một chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng từ đầu tới cuối cho các khách hàng.
Một ví dụ ngân hàng số thành công khi được tích hợp vào một hệ sinh thái công nghệ đó là Kakao Bank tại Hàn Quốc, là một trong số những ngân hàng số hiếm hoi hoạt động có lãi (thậm chí một ngân hàng được coi là thành công như Revolut cũng vẫn thua lỗ), đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, tạo ra những sản phẩm độc đáo và duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Kakao Bank đạt 25% thị phần chỉ trong vòng hai năm kể từ khi ra mắt và đạt 10 triệu người dùng vào tháng 6 năm 2019. Chiến lược kinh doanh của Kakao Bank là tận dụng hệ sinh thái với tập khách hàng mục tiêu lên tới 50 triệu người trên nền tảng nhắn tin miễn phí Kakao Talk và 22 triệu giao dịch trên KakaoPay.
Như vậy, mỗi mô hình ngân hàng số đều có những ưu điểm của riêng mình, có cách tiếp cận thị trường riêng và quan trọng nhất là đều có những cơ hội để trở thành một ngân hàng số hoạt động hiệu quả cả trên phương diện quy mô và lợi nhuận.
Thị trường tài chính Việt Nam tuy đã có những tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung mặt bằng vẫn ở mức trung bình thể hiện ở: (1) Cấu trúc thị trường vẫn kém đa dạng, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính trong nền kinh tế (Năm 2021, tỷ lệ tín dụng/ GDP đạt 124,4% trong khi vốn hóa thị trường TPDN đạt 18,2% GDP, vốn hóa thị trường cổ phiếu trên 2 sàn HSX và HNX đạt 93,5% GDP); (2) Các sản phẩm tài chính vẫn hầu hết dừng ở mức cơ bản; (3) Khả năng tiếp cận hệ thống tài chính của một phần lớn dân cư vẫn bị hạn chế vì các khoảng cách địa lý và 3 Kakaobank.com trình độ ứng dụng khoa học công nghệ; (4) Các tổ chức trung gian tài chính tuy đang phát triển nhưng tiềm lực kinh tế vẫn còn ở mức trung bình thấp. Mô hình ngân hàng số thách thức sẽ tương đối mạo hiểm khi gia nhập một thị trường non trẻ với nhiều rủi ro từ pháp lý tới công nghệ trong khi khó có thể đảm bảo được sức cạnh tranh khi nền tảng khách hàng còn nhỏ bé.
Trong khi đó, mô hình ngân hàng số được thành lập bởi một ngân hàng truyền thống dường như khả thi hơn nhưng nó sẽ yêu cầu các ngân hàng truyền thống phải thực hiện một khoản đầu tư tương đối lớn để chuyển đổi mô hình kinh doanh số hoàn toàn mới.
Mô hình ngân hàng số có lẽ là khả thi nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đó là việc một fintech mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực ngân hàng và thành lập một ngân hàng số (neo-bank) nằm trong hệ sinh thái công nghệ của mình. Các fintech khởi nghiệp từ các sản phẩm tài chính đơn giản và hướng đến phục vụ các đối tượng yếu thế. Chính những khách hàng sẵn có đang sử dụng dịch vụ tại các ứng dụng khác trong hệ sinh thái của fintech sẽ là nền tảng khách hàng hữu ích với sự phát triển của ngân hàng số mới thành lập này.
Cách tiếp cận thị trường dựa trên một hệ sinh thái có sẵn sẽ đem lại những ưu thế nhất định, đó là:
Thứ nhất, vũ khí quan trọng nhất trong thời đại kinh tế số là cơ sở dữ liệu. Để vận hành một ngân hàng số có hiệu quả tài chính dù là trên cơ sở phí hay trên cơ sở chênh lệch lãi suất thì đều cần nguồn dữ liệu khổng lồ làm đầu vào cho các quá trình ra quyết định bởi trí tuệ nhân tạo về lãi suất nhận tiền gửi, lãi suất cho vay, tỷ lệ nợ xấu, khả năng thanh toán của khách hàng, các loại phí liên quan về sản phẩm…
Các ngân hàng số sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các mô hình chấm điểm tín dụng và quản trị rủi ro và cập nhật các mô hình này liên tục theo thời gian thực mỗi khi có dữ liệu mới của khách hàng. Do đó, càng có nhiều dữ liệu đầu vào thì các mô hình trên càng chính xác dẫn tới hiểu quả hoạt động kinh doanh càng cao. Các fintech đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu trong suốt quá trình hoạt động và đó là nguồn nguyên liệu đầu vào cần thiết trong quá trình kinh doanh của ngân hàng số, từ đó tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội ngay từ khi xâm nhập thị trường cho mô hình này;
Thứ hai, với việc sẵn có một hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ, việc nhận diện thương hiệu với các ngân hàng số này trở nên dễ dàng hơn. Các chi phí quảng cáo và tiếp cận khách hàng sẽ được tiết giảm đáng kể, hỗ trợ việc cạnh tranh bằng giá trong giai đoạn xâm nhập thị trường;
Thứ ba, các sản phẩm của ngân hàng số sẽ được tích hợp vào chuỗi dịch vụ cung ứng của hệ sinh thái và sẽ nhanh chóng đem lại doanh thu, từ đó tăng cường khả năng đứng vững trong giai đoạn xâm nhập thị trường; Với việc hoạt động trong một hệ sinh thái, các ngân hàng số sẽ có nhiều công cụ để tăng cường giao tiếp với khách hàng và thiết lập mối quan hệ kinh doanh sâu sắc, bền chặt hơn cũng như xử lý hiệu quả các sự cố, khủng hoảng và khiếu nại của khách hàng.
Các fintech có thể thành công trong việc phát triển một ngân hàng số với những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đó mang lại cho khách hàng và xã hội: sự tiện lợi, chi phí rẻ và an toàn tuyệt đối trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng.
Kỳ cuối: Đề xuất để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
(* Nhóm tác giả: Nguyễn Đức Kiên, Dương Quốc Anh, Đào Minh Thắng, Trần Văn)
Có thể bạn quan tâm
BIDV MetLife tiếp tục hoàn thiện chiến lược số hóa phục vụ khách hàng
04:55, 09/08/2022
Xu hướng thay đổi và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số
05:30, 08/08/2022
Tối ưu trải nghiệm với tiện ích vượt trội từ ngân hàng số OCB OMNI
07:00, 09/02/2022
Lịch HDBank – Lịch Ngân hàng số mang đến 365 ngày Hạnh phúc
10:43, 01/01/2022
Ngân hàng số dành cho doanh nghiệp - VCB DigiBiz có bản cập nhật mới
14:02, 22/12/2021
Ngân hàng số Timo huy động thành công 20 triệu USD từ quỹ ngoại
05:26, 07/01/2022