Tham vọng toàn cầu của người Trung Quốc đang bị thách thức nghiêm trọng sau một loạt các sự kiện gần đây từ Mỹ và các đồng minh.
Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, nhà điều hành ứng dụng video ngắn TikTok, đã dán bên ngoài trụ sở tại Bắc Kinh của mình các áp phích là bìa của cuốn sách của cựu giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt “How Google Works”.
Hay như Huawei, người sáng lập Ren Zhengfei sử dụng các kiến trúc là bản sao của các thành phố châu Âu tại một khuôn viên công ty mới ở miền nam Trung Quốc.
Hai công ty trên tiêu biểu nhất cho tham vọng của Bắc Kinh nhằm thách thức sự thống trị công nghệ từ Mỹ nhưng hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn do những căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Anh.
Trong thời điểm này, có thể điểm mặt các công ty của Trung Quốc với tham vọng “thống trị toàn cầu” đang bị Mỹ và các đồng minh “bóp nghẹt”, trong đó bao gồm: DJI - hãng sản xuất máy bay không người lái, Megvii, SenseTime và iFlytek - công ty trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin, nhà cung cấp camera giám sát Hikvision và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Tất cả đang là những “kẻ mất quyền truy cập vào thị trường”.
Điều này khiến các công ty nhỏ hơn của Trung Quốc cảm thây “nản lòng”!
“Hiện tại, những gì chúng ta đang trải qua là chưa từng có”, một nhà sáng lập khởi nghiệp từ Trung Quốc có các hoạt động tại Mỹ và Ấn Độ cho biết. “Tinh thần kinh doanh của tôi đã bị nản chí vì tất cả những điều này, chứ đừng nói đến tham vọng toàn cầu”.
Đó là một sự thay đổi lớn so với một năm trước, thời điểm mà các công ty Trung Quốc cảm thấy việc Huawei bị cấm tại Mỹ chỉ là “chuyện của Huawei”.
Thời điểm đó, SenseTime và Megvii, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Mỹ, đang tập trung tiến hành đợt IPO- chào bán cổ phiếu công khai lớn lần đầu tiên. TikTok của ByteDance đang tận hưởng sự tăng trưởng toàn cầu. Alibaba đang hướng đến triển vọng toàn cầu cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây và DJI đang củng cố sự thống trị của ngành kinh doanh máy bay không người lái.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Donald Trump bắt đầu để ý đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Căng thẳng cũng gia tăng giữa Bắc Kinh và các quốc gia khác về luật an ninh mới được thông qua đối với Hồng Kông và một cuộc giao tranh biên giới với quân đội Ấn Độ đã dẫn đến lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ đối với 59 ứng dụng của Trung Quốc.
Điều này khiến cho các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bị hủy bỏ hợp đồng, các sản phẩm bị cấm, các khoản đầu tư bị chặn, và nhiều hơn thế nữa.
ByteDance có thể bị buộc phải bán TikTok khi Washington cân nhắc cấm ứng dụng này, một sản phẩm toàn cầu mà các nhà phân tích cho rằng trị giá ít nhất 20 tỷ USD. Huawei dự kiến sẽ mất hàng tỷ đô la doanh thu mỗi năm từ các lệnh cấm trên thiết bị mạng của mình, nhiều quốc gia có thể hùa theo Mỹ, Anh và các nước khác trong việc chặn thiết bị của công ty này.
Bộ Nội vụ Mỹ đã tạm dừng mua thêm các máy bay không người lái của DJI vì rủi ro bảo mật dữ liệu và nhiều hạn chế có thể xảy ra. DJI cũng đã đóng băng kế hoạch IPO trong năm nay.
Bên cạnh đó, tập đoàn Alibaba đang phải cắt giảm nhân sự tại công ty con UC Web của mình ở Ấn Độ sau khi trình duyệt Web di động nổi tiếng của họ bị chính phủ nước này cấm.
Daniel Ives, giám đốc điều hành nghiên cứu vốn cổ phần của Wedbush Securities cho biết, các công ty Trung Quốc đang bị chèn ép một cách “vô lý” bởi các xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, họ chẳng thể làm được điều gì khi mà “quyền quyết định số phận nằm trong tay kẻ khác”.
Trên thực tế, Bắc Kinh không muốn điều này xảy ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn khuyến khích và chỉ đạo các công ty lớn, có uy tín của đất nước này, đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài. Bởi đầu tư quốc tế là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có vẻ tham vọng đó đang bị thách thức.
“Và tất nhiên, hành động của Mỹ và các đồng minh khiến cho một số công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, trước đây sẵn sàng nhận tiền từ Trung Quốc đang trở nên lưỡng lự hơn”, David Chang, giám đốc điều hành của MindWorks Capital có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.
Chang cho biết thêm: “Ví dụ, nếu tôi chọn ByteDance làm vốn chủ sở hữu của mình, sau đó ByteDance bị chặn và đưa vào danh sách đen ở Mỹ, giấc mơ niêm yết trên Nasdaq của tôi có thể là vô vọng”.
Có thể nói, thời điểm này các công ty có “tham vọng toàn cầu” của Trung Quốc đang bị dội “những gáo nước lạnh” vào gáy khi giấc mơ “hóa rồng” đang bị thách thức nghiêm trọng. Dù những nỗ lực của các công ty này nhằm thay đổi suy nghĩ của các nhà quản lý nước ngoài cũng có rất ít hiệu quả bởi không có sự thay đổi chính sách từ Bắc Kinh. Thậm chí như ByteDance, thuê hẳn cựu CEO của Disney làm giám đốc điều hành và tách biệt TikTok ra khỏi Trung Quốc vẫn không thay đổi được gì.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể trong thời gian tới, các công ty Trung Quốc còn gặp nhiều sự “ghẻ lạnh” hơn nữa khi mà cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Có thể bạn quan tâm
Đối đầu Mỹ-Trung: D. Trump đã bắt “thóp” đối phương?
07:00, 27/07/2020
Đấu trường mới nhất trong cuộc chiến Mỹ-Trung: Sao Hỏa
06:00, 27/07/2020
Mỹ-Trung còn lại gì sau hai năm thương chiến?
06:30, 10/07/2020
Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ-Trung? (Bài 2)
08:00, 03/07/2020
Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ-Trung? (Bài 1)
11:30, 02/07/2020