Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp cần đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý hàng đầu của Dự thảo Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dù là mầm non của nền kinh tế nhưng trên thực tế quyền lợi hộ kinh doanh vẫn chưa đảm bảo bình đẳng và tự do.
Hộ kinh doanh là mầm non cho nền kinh tế, là khởi đầu cho đất nước khởi nghiệp nhưng họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, họ cần được quan tâm nhiều hơn và sự quan tâm đầu tiên phải là có khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh.
Dù là mầm non của nền kinh tế nhưng trên thực tế quyền lợi hộ kinh doanh vẫn chưa đảm bảo bình đẳng và tự do. Ví như so với doanh nghiệp hộ kinh doanh khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, hộ kinh doanh không được có quá 10 lao động, sản phẩm của họ khó có thể vươn ra thị trường thế giới. Tại những cuộc đối thoại, hội thảo, hộ kinh doanh không được mời đến dự, họ không được nói nên tiếng nói của mình…
Có thể bạn quan tâm
19:30, 04/04/2019
06:30, 02/04/2019
00:12, 23/02/2019
13:00, 15/02/2019
14:30, 13/11/2018
Vì thế, ở lần sửa đổi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lần này cần hướng đến việc đảm bảo quyền bình đẳng và quyền tự do kinh doanh của các hộ kinh doanh.
Trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Ít nhất, những hộ đã đăng ký này phải được công nhận là doanh nghiệp. Chúng ta không có ý cưỡng bức hay ép buộc họ trở thành doanh nghiệp để lấy thành tích, mà cần gọi tên đúng họ là một loại hình doanh nghiệp về bản chất. Đây không phải là một sự đánh tráo khái niệm, mà gọi đúng tên cho họ. Việc cộng nhận hộ kinh doanh có đăng ký là một loại hình doanh nghiệp có hàm ý phải đối xử công bằng với họ, chứ không phải nhằm mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp để báo cáo thành tích.
Chúng ta xác định họ là loại hình doanh nghiệp nhưng không vì thế mà phát sinh thêm về chi phí chuyển đổi, hay chi phí tuân thủ luật pháp. Chẳng hạn, cần xây dựng hệ thống kế toán, thuế dành cho khu vực này theo hướng cho phép áp dụng kế toán đơn, thuế khoán trên doanh số; việc thanh tra, kiểm tra cũng giảm nhẹ.
Chúng ta phải hiểu rằng việc đưa khu vực này vào Luật Doanh nghiệp nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ họ để họ phát triển chứ không phải để “trói buộc”, “săm soi” họ.
Theo Luật doanh nghiệp hiện hành, khu vực doanh nghiệp Việt Nam chỉ bao gồm hơn 700 nghìn doanh nghiệp đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế. Rõ ràng khu vực hộ kinh doanh đang góp phần lớn trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Đã đến lúc cần đặt câu hỏi tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán... để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.
Trong hệ thống pháp luật hiện hành, hộ kinh doanh chỉ được “nhắc đến” bằng vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay. Trong những năm qua, Luật doanh nghiệp với những phiên bản đầu tiên của mình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và ở lần sửa đổi này chúng tôi kỳ vọng Luật doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng trong cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam, mở đường cho kỷ nguyên hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.