Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, có nguy cơ làm cho áp lực lạm phát toàn cầu tăng mạnh trở lại.
OPEC+ vừa quyết định cắt giảm thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày, khiến nhiều quốc gia lo ngại.
>> OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu, ai hưởng lợi?
Toan tính của OPEC+
Việc cắt giảm sản lượng dầu lần này của OPEC+ được thực hiện theo cơ chế tự nguyện, bắt đầu từ tháng 5 tới, trong đó Nga và Saudi Arabia tỏ ra quyết liệt khi giảm 1 triệu thùng/ngày, phần còn lại do các thành viên chủ chốt của OPEC+ đảm nhiệm. Cộng hưởng với đợt cắt giảm sản lượng dầu mỏ hồi cuối năm ngoái, tổ chức này không tung ra thị trường 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% tổng nhu cầu toàn cầu.
Ngay lập tức, những “con sóng” giá bắt đầu vỗ lên thị trường dầu khí, giá dầu thô biển Bắc tăng lên mức cao nhất trong gần 1 tháng, giao dịch với giá 85,56 USD/thùng, tăng 5,67 USD tương đương 7,1%. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023, với 81,08 USD/thùng, tăng 5,41 USD, tương đương mức tăng tới 7,2%.
Trước động thái nói trên của OPEC+, nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định giá dầu thô có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong năm nay và trong năm 2024.
Luôn là như vậy, OPEC+ được lập ra với mục đích thiết kế cơ chế đồng thuận điều tiết thị trường năng lượng “đen” và đảm bảo nguyên tắc tổng quát: khai thác ít nhất và đạt tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Lần này không ngoại lệ, OPEC+ tăng thêm 7% lợi nhuận khi giá dầu xác lập mốc mới.
Tuy nhiên, do tính chất tối quan trọng của dầu mỏ trong guồng máy kinh tế ngày nay, các quyết định tăng hoặc giảm sản lượng dầu của OPEC+ đều pha trộn yếu tố chính trị. Thậm chí, không ít lần dầu mỏ bị “vũ khí hóa” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Có thể thấy rằng, trong hai lần cắt giảm sản lượng dầu gần đây, Saudi Arabia và các thành viên OPEC+ phát tín hiệu bất tuân yêu cầu của Mỹ. Điều này cho thấy một trục lợi ích mới bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia và một số quốc gia Tây Á. Mục đích của trục lợi ích này chưa hẳn là ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
>> Nóng bỏng “cuộc chiến” dầu mỏ
Các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt nhận thấy thời cơ để “thoát Mỹ”, vượt ra khỏi sự kiểm soát của đồng USD trong giao dịch dầu mỏ, nhờ đó họ tự quyết được giá cả, khách hàng, liều lượng khai thác.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, với đà giảm sản lượng này của OPEC+, giá dầu thô Brent sẽ chạm mức 110 USD/thùng trong năm 2023. Các loại dầu còn lại có thể lên 100 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong bối cảnh kinh tế tồn tại nhiều dấu hiệu khủng hoảng là điềm báo xấu. Nguồn cung có thể thiếu trong quý II năm nay trong khi sản lượng tồn kho tại các quốc gia đang phát triển thấp nhất kể từ năm 2004. Điều đó cũng khiến giá dầu tăng thêm.
Giá dầu thô tăng mạnh có thể đẩy lạm phát tăng cao trong lúc tốc độ tăng giá vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia, làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong vòng 1 năm qua, FED đã 9 lần tăng lãi suất lên 4,75- 5%.
Với áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao, thật khó để FED giữ nguyên hoặc đảo chiều lãi suất trong các kỳ họp sắp tới, do vậy bầu không khí trên thị trường tài chính khó cởi mở trong năm 2023. Riêng tác động tiêu cực từ lãi suất quá cao cũng là vấn đề nhức đầu của các chính phủ trong bối cảnh đang tìm cách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó là những tác động địa chính trị không thể bỏ qua. Cắt giảm sản lượng, tăng giá dầu lúc này rất có lợi cho Nga, giúp Moscow có thêm nguồn thu, tiết kiệm tài nguyên. Do vậy, chiến sự Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào dừng lại. Điều này khó làm lành “vết nứt” của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, động thái cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ đã và đang đẩy khó khăn chống lạm phát và suy thoái về phía Mỹ và châu Âu và phần còn lại của thế giới. Điều đó đồng nghĩa rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia tiếp tục rơi vào căng thẳng, nếu đổ vỡ ở tầm chiến lược sẽ làm thay đổi cấu trúc địa chính trị ở Trung Đông theo hướng có lợi cho Nga và Trung Quốc.
Với Trung Quốc, nước này đã lấp đầy kho dự trữ dầu mỏ, tiếp tục là khách hàng lớn nhất của Nga và Trung Đông. Trong giai đoạn giá dầu tăng đột biến, Trung Quốc có thể xả kho để kiếm lời, thậm chí về dài hạn Trung Quốc sẽ có vị thế lớn trên thị trường dầu mỏ, nhất là khi đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi trong giao dịch dầu mỏ quốc tế.
Có thể bạn quan tâm