Việc “khoác” lên màu áo mới cho Tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian nghệ thuật mới lạ là một tín hiệu tích cực bởi trước đây di tích này bị bỏ hoang.
>>Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp: Kinh nghiệm từ thế giới
Mới đây, Tháp nước Hàng Đậu - một trong những di tích lịch sử còn tồn tại từ thời Pháp thuộc đã chính thức mở cửa đón khách vào thăm quan sau hơn 1 thế kỷ ngủ yên. Điểm nhấn đáng chú ý trong lần mở cửa này chính là không gian nghệ thuật được tổng hòa bởi âm thanh và ánh sáng. Không gian nghệ thuật sáng tạo bên trong di tích này là một phần trong chuỗi hoạt động trải nghiệm của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, do kiến trúc sư Cao Thế Anh, hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương và đơn vị thi công Phùng Công Minh thực hiện.
Sau một tuần đầu mở cửa, không gian nghệ thuật bên trong Tháp nước Hàng Đậu đã đón nhận lượng khách đông đảo vào thăm quan và khám phá không gian bên trong một di tích lịch sử có niên đại gần 130 năm tuổi này. Việc “khoác” lên màu áo mới cho Tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian nghệ thuật mới lạ là một tín hiệu tích cực bởi trước đây di tích này bị bỏ hoang và là nơi tập kết nhiều rác thải. Sự “hồi sinh” bất ngờ này giúp cho khách thăm quan có thể tìm hiểu những câu chuyện mà trước đây họ chưa từng biết về công trình mang tính lịch sử này.
Cũng trong tháng 11, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chính thức khai trương chương trình trải nghiệm du lịch đêm (tour đêm) với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Với những hoạt động trải nghiệm thực tế như việc “kể” chuyện di sản bằng công nghệ 3D Mapping (sự kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ làm phim), Tour đêm “Tinh hoa đạo học” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách đến thăm quan. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công cuộc bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc đã mang đến một hình ảnh Văn Miếu đầy “lung linh” và “huyền ảo”.
Việc thay màu áo mới cho những di sản cũ là một hoạt động vô cùng cần thiết nhằm phát triển du lịch Thủ đô, mang những giá trị văn hoá tốt đẹp, cổ kính đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Thành công của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có thể xem như một dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Thủ đô trong dịp cuối năm.
Từ thành công của hoạt động Tour đêm tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò hay Quần thể Di tích Hoàng thành Thăng Long, và mới đây nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc ứng dụng sự sáng tạo của người trẻ cùng với công nghệ hiện đại vào phát triển di sản được xem như một phương án thích hợp để làm “sống” lại những nét đẹp văn hóa - lịch sử của dân tộc, tạo nên một “cú hích” cho các hoạt động bảo vệ những di sản đã bị lãng quên, trở thành những không gian sáng tạo nghệ thuật và vui chơi dành cho cộng đồng.
Tuy nhiên, việc “làm mới” những di sản này cũng đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý, về việc phát triển và bảo tồn những di sản này trong tương lai. Liệu rằng, sau khi tái tạo những di tích này để phục vụ hoạt động nghệ thuật và giải trí cho người dân, những di sản ấy rồi sẽ đi về đâu? Sẽ lại bị “lãng quên” hay được giữ lại để phục vụ mục đích phục vụ du lịch và sáng tạo?
Đơn cử một ví dụ cho bài toán này chính là Tháp nước Hàng Đậu. Ngay từ khi có những thông tin ban đầu về việc mở cửa thăm quan cũng như những hình ảnh bên trong, đã có rất nhiều người tò mò và thắc mắc không biết bên trong di tích có niên đại hàng trăm năm này sẽ như thế nào? Song, sự tò mò bỗng từ hoài nghi rồi hoá thành thất vọng. Trong những ngày đầu mở cửa, nhiều du khách đã phàn nàn về cách hoạt động có phần “thiếu chuyên nghiệp” của Ban tổ chức, đồng thời việc đứng xếp hàng rất lâu nhưng chỉ được vào thăm quan trong 5 phút ngắn ngủi mà không được khám phá và tận hưởng trọn vẹn những giá trị nghệ thuật thực sự bên trong khiến mong muốn thăm quan của nhiều du khách trở nên giảm dần.
Đó là còn chưa kể đến trong sự chuyển động không ngừng của thời gian, việc một bộ phận người trẻ dần “lãng quên” đến sự tồn tại của những giá trị văn hóa - lịch sử cũng là một khó khăn đối với việc bảo vệ gìn giữ những di tích, di sản. Những năm trước đây, chúng ta có nghệ thuật hát Ca trù đã từng phải “đau đầu” tìm cách bảo tồn, thì đến những năm trở lại đây, Ca trù đã được hồi sinh và bảo tồn bởi thế hệ trẻ say mê với văn hoá dân tộc với những cách thực hiện mới mẻ.
Theo bà Nikki Locke, Trưởng Ban Dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh toàn cầu, cần có sự khuyến khích và thúc đẩy tình thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng, vì người dân ở nhiều nơi còn tồn tại suy nghĩ việc bảo tồn những di sản văn hóa chủ yếu chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và đây là một vấn đề cần phải thực sự được thay đổi.
Chính phủ mới đây sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng phát triển mạnh, mang nhiều giá trị, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; ban hành các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển... Với những vấn đề mà Hội nghị đặt ra bàn bạc, đây có thể xem như những tín hiệu cho sự phát triển mới, thiết thực và bền vững của việc bảo tồn các giá trị di sản cũng như ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Khi chúng ta biết tận dụng tốt và triệt để những không gian văn hoá - nghệ thuật này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hội nhập và sáng tạo. Bên cạnh đó, làm cho những di sản của quá khứ vẫn còn giữ được giá trị cho đến hiện tại thông qua một góc nhìn mới mẻ, hiện đại là một hướng đi tốt. Quan trọng nhất, phải biết cách áp dụng những thành tựu công nghệ hiện đại cùng với sức sáng tạo phi thường của những người trẻ để làm sao những dấu tích của quá khứ không bị lãng quên trong dòng chảy liên tục của thời gian.
Có thể bạn quan tâm