Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NOXH, Bộ Xây dựng đề xuất không bắt buộc phải dành 20% sàn nhà ở xã hội để cho thuê.
>>"Hai mặt" giao dịch bất động sản qua sàn
Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn được ưu đãi "Được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư" (điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP). Chính sách ưu đãi này đã được thực hiện từ năm 2014 đến nay, tuy nhiên chỉ được quy định trong các Nghị định của Chính phủ là chưa phù hợp với Luật Nhà ở năm 2014, cần phải được Luật hóa để đảm bảo tính pháp lý.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở xã hội trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.
Theo báo cáo trước đó của Bộ Xây dựng, các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sản kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư.
>>Nhà ở xã hội đội giá
Tình trạng này trước đó cũng diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Phản trước đó, tại Hà Tĩnh đã có trường hợp 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua.
Những năm trước, tại Hà Nội cũng có dự án ghi nhận tình trạng ế ẩm kéo dài, không có khách thuê, khiến chủ đầu tư như ngồi trên "đống lửa". Đơn cử như 99 căn hộ cho thuê tại dự án nhà ở xã hội Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) với mức giá chỉ 66.617 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế GTGT 5% và chi phí bảo trì 2%) nhưng vẫn khó tìm khách thuê.
Hay dự án NOXH Phú Lãm (Hà Đông) cũng diễn ra tình trạng tương tự khi có tới 384 căn hộ ế ẩm. Thậm chí, tại tổ hợp NOXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), chủ đầu tư thông báo cho thuê đến lần thứ 8 nhưng 321 căn hộ vẫn còn nguyên.
Tương tự, tình trạng ế căn hộ cho thuê diễn ra ở nhiều dự án tại Quốc Oai, Kiến Hưng (Hà Nội)... Điều này khiến các chủ đầu tư lo lắng khi hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nhà không cho thuê được để lâu ngày sẽ dẫn đến xuống cấp.
Theo các doanh nghiệp, tất cả lợi nhuận làm nhà ở xã hội bao gồm cả bán và cho thuê, thương mại trong một dự án đều bị Nhà nước khống chế 10%. Nhưng các căn nhà ở cho thuê tại dự án sau 5 năm mới được bán lại cho người dân thuê để thu hồi vốn, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bản thân người thuê nhà cũng muốn mua luôn căn hộ đang thuê để ổn định lâu dài nhưng lại bị khống chế thời gian.
Có thể bạn quan tâm