Trở về sau cuộc chiến, nữ thương binh Đặng Thị Bảy còn ba mảnh đạn trong đầu, đôi chân teo tóp, một tay co quắp nhưng suốt thời gian qua bà vẫn miệt mài bán vé số, lo cho đồng đội.
Người nữ thương binh ấy là bà Đặng Thị Bảy, 75 tuổi, ngụ xã Long Hưng A (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), người dân nơi đây hay gọi thân mật là cô Bảy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình với 9 anh chị em, gia cảnh nghèo khó, năm 1958, khi vừa tròn 13 tuổi, bà Bảy tự nguyện xin được tham gia cách mạng, với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Vì tuổi nhỏ và dáng người nhỏ thó nên bà Bảy được các cô chú, anh chị em trong đơn vị gọi là Bảy Nhỏ, giao nhiệm vụ làm giao liên hợp pháp tại xã Long Hưng, là địa bàn trọng yếu của Tỉnh ủy, Huyện ủy và là nơi bị địch ra sức ruồng bố rất dữ dội.
Năm 1964, bà Bảy được tổ chức đưa đi học khóa hộ sinh. Một năm sau, bà Bảy được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bà hứa với đồng đội “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”.
“Lời hứa tưởng chừng như không bao giờ thực hiện được vì vào thời điểm đó chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh chiếm đồn Gò Dầu thuộc xã Tân Mỹ, trên đường rút quân về Mương Diều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) đơn vị bị pháo địch trả đũa làm nhiều người hy sinh. Tôi thoát chết nhưng bị thương vùng đầu làm liệt nửa thân người. Không thể trực tiếp chiến đấu, tôi được tổ chức phân công ở tuyến sau mua thuốc men tiếp tế cho quân y, rồi được bồi dưỡng chuyên môn hộ sinh, y tế làm y tá cho đến sau ngày giải phóng”, bà Bảy tâm sự.
Đến năm 1979, do sức khỏe yếu nên bà Bảy được tổ chức cho nghỉ mất sức. Một mình bà phải gánh vác nuôi 2 đứa cháu nội mồ côi và một cháu của cô em gái ruột. Với 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương thương binh ít ỏi, bà đành đi bán vé số để có thêm thu nhập và tiết kiệm tiền để thực hiện lời hứa với đồng đội.
“Bất chấp thương tật, ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi đi khắp xóm làng để bán từng tờ vé số… với quyết tâm thực hiện lời hứa năm xưa với đồng đội. Từ giữa năm 1997, hàng tháng nhận tiền lương thương binh, tôi trích ra một phần, cộng với tiền hoa hồng bán vé số tôi bỏ vào heo đất tiết kiệm tiền.
Vào cuối năm 2010, trong lúc xã Long Hưng A đang sửa chữa lại Nghĩa trang Liệt sỹ của xã, tôi đập heo đất được 72 triệu đồng. Tôi cầm 70 triệu đồng tới UBND xã xin đóng góp với nguyện vọng góp phần nhỏ vào việc sửa chữa Nghĩa trang Liệt sỹ thêm khang trang, sạch đẹp”. Khi thấy việc làm cao cả của bà Bảy, lãnh đạo xã Long Hưng A đã rất xúc động và thuyết phục bà nên để số tiền đó dưỡng già. Vì bà bị thương tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn. Nhưng một mực giữ lập trường, bà Bảy nói với lãnh đạo xã rằng, đây là số tiền bà bỏ heo đất hơn 12 năm qua chứ không phải tiền bán đất hay vay mượn của ai“, bà Bảy nói.
Bà cũng cho biết thêm: "Trong 144 ngôi mộ đó, hơn phân nửa là đồng đội từng sống chết với tôi. Họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Vì vậy, có chút đỉnh tiền, tôi đóng góp cho đồng đội, xem đây là tâm nguyện cuối đời nên phải thực hiện bằng được".
Nghe tâm sự của bà, lãnh đạo UBND xã Long Hưng A đã đồng ý nhận và sử dụng số tiền trên vào việc ốp gạch men toàn bộ 144 ngôi mộ của Nghĩa trang Liệt sỹ xã. Đến năm 2011 khi Nghĩa trang hoàn thành, bà Bảy dùng số tiền 2 triệu đồng còn lại mua đồ cúng ăn mừng việc hoàn thành sửa chữa Nghĩa trang.
Đến hôm nay, khi lời hứa với đồng đội đã hoàn thành, Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A khoác lên mình một màu xanh ngọc bích tươi đẹp, sạch sẽ, thế nhưng bà Bảy vẫn cho rằng mình chưa làm tròn nghĩa vụ của mình. Do vậy, dù đã gần 80 tuổi, cơ thể thương tật, hằng ngày chịu những cơn đau nhức hành hạ nhưng bà vẫn đều đặn cuốc bộ khắp nơi bán vé số.
“Mấy năm nay tôi bỏ con heo mới rồi, chắc cũng được kha khá, đợi thời gian nữa đập ra lấy tiền nâng cấp nền cho sạch, rồi trồng thêm hoa kiểng đẹp cho mấy anh em ngắm” - vừa lau phần mộ đồng đội, bà Bảy vừa nói. Bà cho biết hơn 20 năm nay, sau khi bán vé số về là bà lại tạt qua nghĩa trang quét dọn mộ liệt sĩ và ngồi hồi tưởng những ngày cùng đồng đội sống chết có nhau…
Hiện nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, 3 mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu nên thường xuyên đau nhức, mất ngủ nhưng bà Bảy rất vui vì đã thực hiện được lời hứa với đồng đội năm xưa. Bà Bảy giãi bày: “Tôi nghĩ, việc trùng tu, tôn tạo và chỉnh trang các di tích lịch sử, các nghĩa trang liệt sỹ nhằm để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu về truyền thống đấu tranh của cha anh đi trước đã anh dũng hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc”.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Đôi vợ chồng cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Đồng Tháp
06:00, 27/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Thầy giáo dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi
05:00, 25/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Những ly trà chanh làm mát lòng những người lao động nghèo Hà Nội
17:01, 24/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Chàng trai "hồi sinh" xe đạp để tặng trẻ em nghèo
11:00, 18/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Triển lãm tranh “Hình của gạo” gây quỹ hỗ trợ tân sinh viên
21:07, 15/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Hành động đẹp của ông chủ nhà hàng xứ Thanh
11:00, 02/06/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Quán nước nghĩa tình
11:00, 31/05/2020