Kế hoạch phục hồi sản xuất tốt tới đâu nhưng không có công nhân, doanh nghiệp cũng "bó tay". Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán kêu gọi công nhân trở lại sản xuất.
Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất kinh doanh để phục hồi. Tuy nhiên, trước mắt họ là muôn vàn khó khăn, trong đó có việc thiếu nguồn lao động nghiêm trọng.
Nguồn lực lao động bị chia cắt
Trả lời báo chí về tình hình nhân sự khi doanh nghiệp được hoạt động bình thường trở lại, ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - cho biết doanh nghiệp đang lên danh sách làm "giấy đi đường" cho khoảng 2.000 công nhân trở lại sản xuất vào ngày 5-10. Số lao động này chỉ chiếm 5% lao động của doanh nghiệp, song ông Tú cho rằng phải bắt đầu từ con số nhỏ.
Với 42.000 công nhân, khi chính quyền cho mở cửa hoàn toàn, khả năng thiếu hụt lao động rất lớn. Đặc biệt các đơn hàng cuối năm được xem như "phao cứu sinh", theo ông Tú, các chính sách cho công nhân tăng ca, tổ chức về địa phương đón lao động đã được tính đến. Song lâu dài phải chờ chính quyền sớm tiêm đủ vắc xin cho người lao động. Theo ghi nhận, hiện nhiều doanh nghiệp Đồng Nai mới tiêm được cho 40-50% lao động.
Còn ông Phạm Văn Đông, Phó GĐ Công ty TNHH Trang Tuấn (quận 12, TPHCM) mấy ngày nay như ngồi trên đóng lửa, vì đối tác bên Malaysia liên tục hối thúc giao đơn hàng, nếu không giao được thì họ sẽ hủy đơn hàng.
Theo ông Đông, ngành nghề chính của công ty là may sản phẩm trang phục để xuất khẩu đi thị trường Malaysia. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua, công ty từ sản xuất cầm chừng đến tạm dừng đóng cửa, dẫn đến tất cả lao động đều nghỉ việc.
"Sau khi nghỉ việc phần lớn trong số họ đã về quê, số còn lại thì đi tìm việc khác để làm, nên giờ gọi họ quay lại là không thể. Công ty đã lên phương án tuyển nguồn lao động mới nhưng rất khó tuyển, mà nếu có tuyển được thì phải mất một thời gian để đào tạo thì mới làm được sản phẩm đặc thù trang phục này. Trước mắt, công ty đành phải đóng cửa tiếp thêm một thời gian và chấp nhận để đối tác hủy đơn hàng", ông Đông nói với vẻ tiếc nuối.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) - cho biết bắt đầu từ đầu tuần này, đợt công nhân đầu tiên của công ty mới quay trở lại nhà máy sau khoảng 2,5 tháng ngừng sản xuất. "Chỉ có 125/4.000 lao động của công ty sẽ vào test trước sau đó mới bắt đầu làm việc. Đợt 2 dự kiến đưa thêm 500 công nhân vào sản xuất nhưng cũng chưa biết khi nào. Hiện công nhân vẫn đang vướng mắc rất nhiều về câu chuyện đi lại và tiêm mũi 2 vắc xin để có thẻ xanh" - bà Vân nói.
Theo đó, khoảng 4.000 công nhân Công ty Long Rich đã được tiêm mũi 1 vào thời điểm tháng 6. Đến nay chỉ có khoảng 900 người đang có mặt ở TP.HCM được tiêm mũi 2. "Số còn lại đang ở Bình Dương rất nhiều và hầu hết chưa tiêm mũi 2. Các tỉnh thành cũng chưa cho phép người dân di chuyển sang các địa phương khác nên người lao động của công ty không thể về lại TP.HCM tiêm mũi 2" - bà Vân nêu khó khăn.
Ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - cho hay các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn do giãn cách xã hội mà nguy cơ thiếu hụt lao động rất rõ. Đã có nhiều người lao động về quê, cộng thêm với số lao động đang về và muốn về, tới đây các nhà máy có thể chỉ còn khoảng 50% công nhân.
Đồng cảnh ngộ, bà Lê Thị Nương, Phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt (quận 6, TPHCM) cho biết, sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách công ty đã mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước mắt công ty gặp rất nhiều khó khăn như máy móc sau thời gian dài ngưng hoạt động đã xuống cấp, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm,... Trong nhiều cái khó này, thì theo bà Nương, bài toán nguồn nhân lực đang là đau đầu nhất.
"Máy móc hỏng, xuống cấp thì có thể thay mới hoặc bảo trì lại, nguồn nguyên liệu đầu vào hiếm thì vẫn có thể tìm đối tác khác để cung cấp thêm, thiếu vốn vẫn có thể cầm cố nhà đất để vay. Thế nhưng, cái lo lớn nhất hiện giờ là thiếu người lao động để làm, bởi đặc thù ngành sản xuất hàng mỹ phẩm này nó liên quan đến công nghệ pha chế. Vì vậy, chỉ những lao động được đào tạo và có tay nghề thì mới tham gia làm được, trong khi những lao động này họ đã về quê hết trong đợt dịch vừa qua" - bà Nương nói.
Cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp
Trả lời trên Lao động, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đô thị và Phát triển cho rằng, nguồn nhân lực được xem là tài sản lớn nhất của tất cả doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp về nguồn lao động, bà Trân cho rằng: "Đã đến lúc chính quyền TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các cơ quan ban ngành liên quan cần đưa ra giải pháp để khắc phục thực trạng này. Muốn Doanh nghiệp sớm được phục hồi, muốn nền kinh tế của Thành phố sớm tăng trưởng trở, thì cần phải giải được bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay".
Ông Trần Việt Anh - TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, TP nếu muốn duy trì lao động ngoại tỉnh thì cần bắt tay với DN, xây các khu nhà ở cho người lao động theo đúng chuẩn môi trường sống và an toàn sức khỏe.
Ngoài ra, trong lúc này, các DN phải thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay về. Khi quay về thì cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động.
Song song đó, chính quyền và DN phối hợp giữ chân người lao động ở lại TP bằng cách cho họ những thông tin rõ ràng. Ví dụ, công nhân tiêm 1 mũi thì sẽ được tiêm 2 mũi, tiêm 2 mũi thì sẽ được đi làm bình thường. Hay, toàn bộ nhà máy đã được khử trùng hoặc có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm khi cần thiết và có tủ thuốc trị Covid-19. Những điều trên khiến lao động an tâm khi làm việc.
Nhằm giải tỏa tâm lý cho người lao động, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam, đề xuất các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương cho phép người lao động trong khu công nghệ cao đủ điều kiện được trở về địa phương và đi làm từ nhà. Đây là nhu cầu thiết yếu và cấp bách của người lao động “3 tại chỗ”, xa nhà mấy tháng qua. Để thực hiện việc này, các DN đã lên phương án đảm bảo sản xuất an toàn theo bộ tiêu chí của TP và chuẩn bị kỹ phương án khi có F0.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định, ưu tiên số 1 vẫn là thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân. Công đoàn của DN kết nối với tổ chức công đoàn tại nơi cư trú, đảm bảo sự an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại TP.
Bên cạnh đó, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn phương án ở lại mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại được gần gũi gia đình. “Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc trên TP”, đại diện Tổng LĐLĐ chia sẻ.
Trước đón, ngày 3-10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị nêu rõ theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội... nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động...
Do đó, chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh thành để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch.
Các tỉnh thành khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời tiêm vắc xin cho người lao động, xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết phục vụ đời sống người lao động, thống nhất phương án di chuyển của người lao động, tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh...
Chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; điều kiện sản xuất; phân bổ kịp thời vắc xin...
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dệt may chờ chính sách mở cửa xuyên suốt
15:00, 30/09/2021
Khẩn cấp cứu các hãng hàng không
14:11, 29/09/2021
20 doanh nghiệp sản xuất phim, truyền hình muốn sớm được bắt nhịp “bình thường mới”
11:39, 28/09/2021
Tình thế đảo chiều của "cuộc đua" thu hút doanh nghiệp FDI
11:00, 24/09/2021