Doanh nghiệp khó giảm giá bán nhà

VI ANH 22/12/2023 05:00

Để cải thiện thanh khoản trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đã tích cực xây dựng chính sách bán hàng ưu đãi. Tuy nhiên, giải pháp giảm mạnh giá nhà không được lựa chọn bởi nhiều yếu tố.

>>Tránh "cạm bẫy" mua nhà cuối năm

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp không phải bài toán dễ.

“Bài toán” thách thức

Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện giảm giá thông qua việc hỗ trợ khách hàng với các phương thức thanh toán linh hoạt hơn, tỷ lệ thanh toán thấp hơn. Điều này bao gồm việc cho phép khách hàng đóng trước chỉ từ 10 - 30% đã có thể nhận nhà, cùng với việc hỗ trợ lãi suất hoặc tạm hoãn trả nợ gốc.

nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện giảm giá thông qua

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện giảm giá thông qua loạt chính sách ưu đãi. Ảnh:VA

Thậm chí, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, một số chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp và dự án nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán thông qua các chính sách chiết khấu và khuyến mại.

Dù đã tăng cường các chính sách khuyến mãi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư cần xem xét việc giảm giá bán mạnh, thậm chí cân nhắc về việc bán cắt lỗ hoặc giảm bớt tài sản để giảm nợ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, do đó, kể cả khi muốn bán rẻ tài sản cũng không thực sự dễ dàng.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, giảm giá bán bất động sản là một bài toán thách thức cho cả chủ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân. Đối với chủ đầu tư hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu hiện rất cao (gồm chi phí đất, chi phí vốn, chi phí tài chính…) trong quá trình phát triển dự án. Đồng thời, tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài khiến các chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm, làm tăng giá bất động sản.

Theo bà Hằng, thời gian từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi có giấy phép xây dựng có thể mất hai năm, thậm chí là ba năm. Như vậy, vốn vẫn đổ vào cho dự án trong thời gian đó nhưng chủ đầu tư không có nguồn thu nên chỉ còn duy nhất một kênh để có thể thu hồi được chi phí, đó là tăng giá bán. Điều này kéo giá bán của các căn hộ và nhà ở liền kề gia tăng và dẫn đến tình trạng có những dự án bán rất chậm nhưng không có dấu hiệu giảm giá bán.

>>Thêm nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội

Chia sẻ từ đại diện của một đơn vị chủ đầu tư thực hiện các dự án ở TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp rất muốn giảm giá nhà và thực sự mong có giá nhà ở mức thấp để người dân dễ tiếp cận. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với khó khăn trong việc tiết giảm các chi phí đầu vào do không thể giảm nổi. Trong khi đó, chi phí đầu vào như tiền sử dụng đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền lãi vay ngân hàng, tiền thuê nhân công, mua nguyên vật liệu xây dựng... đã tăng cao trong thời gian qua.

Đối với một dự án, từ khi có chủ trương đầu tư đến khi dự án chính thức bắt đầu xây dựng có thể mất tới 5 - 7 năm, đôi khi lên đến 15 năm trong một số trường hợp đặc biệt. Thời gian kéo dài này làm tăng chi phí cũng như gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Chưa kể, doanh nghiệp còn có cam kết với các cổ đông, với đối tác về mức lợi nhuận tối thiểu đạt được hàng năm.

giảm giá bán bất động sản là một bài toán thách thức cho cả chủ đầu tư

Việc giảm giá bán bất động sản là một bài toán thách thức đối với doanh nghiệp. Ảnh:VA

Một yếu tố quan trọng khiến các doanh nghiệp bất động sản khó giảm giá nhà nữa là do bất động sản được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho hầu hết các khoản vay tại ngân hàng. Nếu giảm giá bán, tức tài sản đảm bảo bị hạ giá trị, các doanh nghiệp bất động sản sẽ ngay lập tức bị ngân hàng yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay như tiền, bất động sản khác, giấy tờ có giá...

Để giảm giá nhà, phải bắt đầu tư đâu?

Trước bối cảnh trên, để giảm giá nhà, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA kiến nghị nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, quan trọng nhất là kiến nghị nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở, là cơ sở để tăng nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Ông Châu khẳng định rằng, việc tăng nguồn cung nhà ở này sẽ tác động làm bình ổn giá nhà theo quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường.

Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục đưa ra các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, đi kèm với đó là việc đề xuất những giải pháp. Doanh nghiệp cần thể hiện quyết tâm trong việc cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, phân khúc để giảm bớt rủi ro.

Cùng với đó, để giảm giá nhà, việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý để cải thiện nguồn cung là rất quan trọng. Đại diện của doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc áp dụng chính sách khuyến khích mở rộng nguồn cung và giải quyết các vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp:p/Tránh bẫy tăng trưởng nóng

    Bất động sản công nghiệp: Tránh bẫy tăng trưởng nóng

    16:56, 21/12/2023

  • Thêm 3 dự án bất động sản vừa được TP.HCM gỡ vướng

    Thêm 3 dự án bất động sản vừa được TP.HCM gỡ vướng

    15:33, 21/12/2023

  • Siết phân lô đất nền: Thay đổi

    Siết phân lô đất nền: Thay đổi "cuộc chơi" trên thị trường bất động sản

    05:00, 20/12/2023

  • Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại Vũng Tàu, Phú Thọ, Phú Yên

    Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại Vũng Tàu, Phú Thọ, Phú Yên

    01:00, 20/12/2023

  • “Tháo van” tín dụng bất động sản

    “Tháo van” tín dụng bất động sản

    12:00, 19/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp khó giảm giá bán nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO