Doanh nghiệp thủy sản bị thiệt vì "sự cố" Trạm Giang

DIỄM NGỌC 18/06/2021 04:50

Các doanh nghiệp thuỷ sản như VHC, ASM - IDI hay ANV là những đơn vị có thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng, nếu sản phẩm của họ đi qua cảng Trạm Giang.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN-PTNT) thông tin, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ áp đặt các hạn chế nhập khẩu hàng đông lạnh, thủy hải sản đến từ một số quốc gia châu Á trong bối cảnh COVID-19 bùng phát. Lệnh hạn chế mới nhất áp dụng tại cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông,  do lo ngại virus Corona biến thể Ấn Độ đang có thể trở thành mối đe dọa đối với địa phương.

Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thuỷ sản đông lạnh sẽ có tác động nhẹ đến một số công ty sản xuất thuỷ sản trong nước như VHC, ASM-IDI hay ANV

Cảng Trạm Giang - Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thuỷ sản đông lạnh sẽ có tác động nhẹ đến một số công ty sản xuất thuỷ sản trong nước như VHC, ASM-IDI hay ANV

Theo đó, việc tạm ngừng nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 20/6 đến ngày 15/7. Cảng Trạm Giang sẽ không chấp nhận thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ các quốc gia gồm Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Mông Cổ. Các quốc gia khác không được đề cập được nhập khẩu như bình thường.

Trạm Giang được mệnh danh là "thủ phủ tôm" của Trung Quốc, nơi có hơn 100 nhà chế biến tôm quy mô vừa và nhỏ. Nhưng ngày nay, các nhà chế biến tôm địa phương có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ. Ngành tôm ở đây lo ngại rằng các hạn chế nhập khẩu sắp tới sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho các công ty chế biến trong khu vực.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã nhiều lần phát hiện virus Corona trên bao bì của thủy sản đông lạnh nhập khẩu. Năm 2020, nhập khẩu thủy sản của nước này giảm 20% do virus Corona khiến người tiêu dùng Trung Quốc sợ hãi.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Bà Phan Vân Anh, Chuyên gia Phân tích, Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trước thông tin Trung Quốc áp đặt các hạn chế nhập khẩu sẽ làm chậm đà phục hồi của ngành xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là phân ngành cá tra. Cụ thể, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 24% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp trên ước tính lần lượt là 17%, 30%, 20%.

Những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có tỷ trọng thị trường Trung Quốc lớn sẽ bị ảnh hưởng như: công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), bộ đôi công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) và công ty con là công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI), hay công ty Cổ phần Nam Việt (ANV). “Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp này ở mức trung bình”.

Bà Phan Vân Anh, Chuyên gia Phân tích, Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT

Bà Phan Vân Anh, Chuyên gia Phân tích, Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT

Chuyên gia tại VNDIRECT phân tích, mức độ ảnh hưởng của việc cảng Trạm Giang đóng cửa là trung bình với một số nguyên nhân như:

Thứ nhất, Trạm Giang chủ yếu nhập khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm niêm yết trên sàn chứng khoán phần lớn không xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, mà tập trung vào các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Thứ hai, việc cảng Trạm Giang đóng cửa sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với phân ngành xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có thể lợi dụng vị trí địa lý, tránh nhập khẩu qua cảng này.

Thứ ba, yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng ngắn hạn tới ngành xuất khẩu thủy sản do xu hướng phục hồi đối với phân ngành này hiện đang ở mức tương đối tốt. Đà phục hồi của phân ngành cá tra sẽ chậm lại trong ngắn hạn (khoảng thời gian cảng này đóng cửa).  Mặc dù vậy, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam đều đang ở mức tích cực.

Trên cơ sở chuỗi giá trị ngành đã và đang trên đà phục hồi, cùng với sự hỗ trợ của vaccine, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua được rào cản này và tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, những thông tin này cũng không quá ảnh hưởng tới toàn cảnh chung của TTCK, do các doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành này có quy mô nhỏ”, bà Vân Anh nhận định.

Trong bối cảnh đại dịch VOVID-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh trường hợp phụ thuộc vào đà phục hồi đến từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên quá lo lắng trước những thông tin này, do đà phục hồi của mảng cá tra vẫn ở mức cao và ổn định.

Có thể bạn quan tâm

  • “Thủ phủ tôm” Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản: Gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực

    “Thủ phủ tôm” Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản: Gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực

    11:04, 14/06/2021

  • Cơ hội nào cho thuỷ sản Việt từ làn sóng Covid-19 mới?

    Cơ hội nào cho thuỷ sản Việt từ làn sóng Covid-19 mới?

    04:00, 09/06/2021

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém

    11:01, 02/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp thủy sản bị thiệt vì "sự cố" Trạm Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO