Thị trường xe máy điện Việt Nam rất tiềm năng, có quy mô lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Liệu các doanh nghiệp xe máy điện Việt Nam có vươn lên làm chủ thị trường?
Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg 2025 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị nêu rõ: UBND TP Hà Nội phải triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch được lưu thông trong phạm vi Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3. Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh mẽ đầu tiên trong quá trình chuyển đổi giao thông xanh tại đô thị lớn Việt Nam, tạo ra một tiền lệ để các địa phương khác noi theo.
Ngân hàng thế giới dự báo, từ nay đến năm 2035, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam. Ước tính có tổng cộng khoảng 32 triệu xe máy các loại sẽ được bán ra tại Việt Nam từ nay tới năm 2035.
Trong khi đó, khảo sát được Vero (Công ty tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN) thực hiện từ năm 2023 cho thấy, đa số người tiêu dùng Việt Nam đều thừa nhận, xe điện là phương tiện thân thiện với môi trường hơn hẳn, so với xe động cơ đốt trong truyền thống. Có hơn 60% số người tham gia khảo sát cho biết, lý do họ tìm hiểu và cân nhắc mua xe điện là để bảo vệ môi trường và 69% cho rằng, chi phí vận hành xe điện thấp hơn so với xe sử dụng xăng, dầu.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam về phương tiện giao thông điện, do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao thực hiện năm 2023 cũng cho thấy, “xanh” là tiêu chí được người tiêu dùng lựa chọn trong việc đi lại. Có tới 78% người tiêu dùng đượ hỏi cho biết, mong muốn sử dụng xe điện trong tương lai gần. Một nửa trong số đó muốn sử dụng xe máy điện.
Có thể thấy, cơ hội để thay đổi thói quen, chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện tại Việt Nam đang diễn ra rất thuận lợi, nhìn từ sự đón nhận của người tiêu dùng. Thị trường xe máy điện của Việt Nam rất tiềm năng, có quy mô lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Liệu các doanh nghiệp xe máy điện Việt Nam có đón bắt được cơ hội lớn này và vươn lên làm chủ thị trường?
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe đạp, Xe máy Việt Nam (VAMOBA) cho biết, hiện các doanh nghiệp sản xuất xe máy điện Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với tổng vốn đầu tư từ 50-70 tỷ đồng. Mặt bằng sản xuất vẫn phải tự lo, không nhận được hỗ trợ từ chính quyền. Thiếu vốn, nhưng rất khó vay ngân hàng, bởi không có tài sản đảm bảo, cùng với đó là nguồn nhân lực có trình độ tay nghề không cao và công nghệ sản xuất còn yếu.
Hiện doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy điện, nhập khẩu linh kiện phải chịu thuế suất 20%. Xe máy điện vẫn chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển số như xe máy xăng. Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ người dân mua xe máy điện… Chính vì thế, giá xe máy điện còn khá cao so với xe máy xăng. Doanh nghiệp Việt có doanh số bán cao nhất đạt trên 70.000 xe/năm, còn lại hầu hết dưới 10.000 xe/năm, có không ít doanh nghiệp đang thua lỗ.
Trong khi đó, nhận thấy tiềm năng lớn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam. Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea (Trung Quốc) đã đầu tư Nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh tại khu công nghiệp Tân Hưng, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn 100 triệu USD, công suất 2 triệu xe điện/năm. Trước đó, năm 2019, nhà đầu tư này đã xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Ninh, công suất 500.000 xe/năm. Tổng công suất của 2 nhà máy hiện là 2,5 triệu xe điện/năm, đủ cung ứng cho toàn thị trường Việt Nam.
Công ty TAILG (Trung Quốc), đã đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp xe điện công suất 350.000 xe/năm tại Hưng Yên, nhắm vào phân khúc trẻ, giá bán khoảng 20 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có 1 số doanh nghiệp Trung Quốc khác như Công ty Super Soco, NIU và Evoke… đang thâm nhập thị trường Việt Nam với xe nhập khẩu nguyên chiếc… Câu hỏi đặt ra, liệu xe điện Trung Quốc có chiếm lĩnh thị trường Việt Nam?
Đại diện VAMOBA cho rằng, không chỉ cần những chính sách khuyến khích sử dụng xe máy điện, hạn chế xe máy xăng; các doanh nghiệp Việt rất cần hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu cứ để các doanh nghiệp nội địa “tự bơi” thì khó có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Khi đó, thị trường xe máy điện sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, giống như xe máy xăng hiện nay, doanh nghiệp nội địa sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay trên “sân nhà”. Bởi tầm vóc của các “tay chơi” nội địa quá nhỏ bé và yếu thế.