Một số cổ phiếu nhóm ngành cảng biển hiện đang có động lực tăng giá cả trong ngắn và dài hạn.
>>>Liên kết logistics tăng trưởng kinh tế vùng
Thông tin về kế hoạch tăng khung giá cước cảng biển khoảng 10% từ đầu năm 2024 có thể trở thành một động lực mới, mang lại kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành cảng biển.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, nội dung đáng quan tâm nhất là đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm của cảng biển, trong đó nâng phí hạ container- vốn là khoản phí đóng góp đến 60-70% doanh thu cho các doanh nghiệp cảng biển.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khung giá mà Nhà nước công bố là khung giá trần - sàn để các doanh nghiệp tham chiếu; còn trên thực tế khung phí bốc xếp giữa các container của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường, nên các doanh nghiệp có khả năng tự điều chỉnh theo mức cung- cầu.
Cũng không thể phủ nhận, khi khung giá cước cảng biển của Nhà nước tăng lên, các doanh nghiệp có thể tăng giá cước cảng biển mà không sợ chạm trần.
Chúng tôi muốn làm rõ điều này là bởi vì nội dung tăng khung phí hiện mới đang trong dự thảo. Việc tăng phí này chắc chắn sẽ còn được nhắc tới nhiều trong thời gian tới, nhất là khi nội dung dự thảo chính thức được ban hành. Chúng ta cần hiểu rõ nội dung này là cơ hội tốt để nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu trong ngắn hạn, hơn là việc mua vào cổ phiếu theo luồng dư luận. Với những thông tin như vậy thì dư địa phản ánh vào giá sẽ không mạnh và không kéo dài.
>>>Phát huy lợi thế cảng biển quốc gia
Về triển vọng đầu tư với các cổ phiếu ngành cảng biển trong bối cảnh hiện nay, có hai cổ phiếu cảng biển mà chúng tôi đánh giá là đáng chú ý trong ngành: Thứ nhất, Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) hiện là doanh nghiệp vận hành khai thác cảng công suất lớn nhất trên sàn niêm yết. Mặc dù loại trừ công suất của cảng Nam Hải Đình Vũ mà doanh nghiệp vừa hoàn tất bán, thì hệ thống cảng của GMD trải dài từ Bắc đến Nam.
Các cụm cảng phía Bắc và phía Nam của GMD đều có khả năng tiếp nhận các loại tàu trọng tải lớn, được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh nổi bật. Xu hướng hiện nay là các hãng tàu sẽ cập cảng trực tiếp tại Việt Nam thay vì sử dụng các cảng trung chuyển trong Đông Nam Á gây tốn nhiều thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, GMD còn đầu tư vào các đội tàu xe và trung tâm phân phối phục vụ cho lĩnh vực logistics, thậm chí sở hữu một công ty liên kết rất lớn trong lĩnh vực hàng không. Với lợi thế như vậy, GMD có lợi thế cạnh tranh từ khả năng cung cấp dịch vụ logistics khép kín cho khách hàng, giúp đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng và tiết giảm chi phí thuê ngoài, cải thiện biên lợi nhuận.
Đó là triển vọng dài hạn của GMD; còn trong ngắn hạn, với việc thị giá cổ phiếu vừa trải qua một đợt tăng nóng phản ánh các thông tin tích cực trong quý 2 vừa qua, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi thị giá cổ phiếu GMD điều chỉnh trở lại, từ đó tạo ra triển vọng đầu tư tốt hơn trong ngắn hạn.
Thứ hai là Công ty CP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP), đây là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cảng biển tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Hiện nay, SGP đang sở hữu 100% vốn tại cảng Tân Thuận 1, Tân Thuận 2 nằm tại TP.HCM và sở hữu 90,5% vốn tại cảng Hiệp Phước...
Năm vừa qua, trong khi các cảng của SGP tại cụm TP.HCM hoạt động khá tốt, thì vấn đề của doanh nghiệp là các cảng tại cụm Cái Mép Thị Vải lại hoạt động kém hiệu quả do dư thừa công suất và các cảng phải hạ giá để cạnh tranh lẫn nhau.
Tuy vậy, đối với tất cả các cảng trong khu vực TP.HCM hiện nay có hai vấn đề. Tại khu vực Cát Lái hiện đang trong tình trạng quá tải, dẫn đến hệ quả bất lợi cho các chủ hàng về thời gian xếp dỡ, vận tải hàng hóa, cũng như làm tăng chi phí. Trong khi đó, các cảng nằm dọc sông Sài Gòn nằm trong kế hoạch di dời các cảng ra khỏi nội đô thành phố, để phục vụ quá trình dịch chuyển công suất từ các cảng khu vực TP.HCM sang khu vực Cái Mép Thị Vải.
Sau giai đoạn hết sức khó khăn thì trong những năm gần đây, công suất tại các cảng khu vực Cái Mép Thị Vải đã dần được nâng lên, qua điểm hòa vốn và bước vào giai đoạn tăng trưởng thuận lợi, từ đó giúp kết quả kinh doanh của SGP cũng tăng trưởng.
Với cơ cấu tài chính hiện nay khá tốt, nợ vay thấp, dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư dồi dào, trong khi doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư mới, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng lợi nhuận của SGP tăng lên.
Có thể bạn quan tâm
Tiền rẻ nhưng chưa chảy mạnh vào thị trường chứng khoán
05:30, 15/09/2023
Những lưu ý trên thị trường chứng khoán tháng 9
05:00, 11/09/2023
Cổ phiếu ngành chứng khoán: Cơ hội từ "gió đổi chiều"
05:30, 06/09/2023
Nhận diện 3 rủi ro có thể tác động đến thị trường chứng khoán
05:20, 05/09/2023
Tác động của cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán
11:03, 28/08/2023
Chứng khoán Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng mới
00:11, 27/08/2023
Thị trường chứng khoán khó bứt phá
04:00, 26/08/2023