Làn gió nhiều chiều từ quốc tế đến Việt Nam khiến lo ngại chính sách tiền tệ - tài khóa cân đối giữa các biến số vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng gặp khó khăn.
>>>Lực đẩy từ lãi suất thấp
Trong tuần này, một chỉ số quan trọng đối với kinh tế Mỹ và cả kinh tế toàn cầu- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư chính thức được công bố.
Trước đó, những số liệu kinh tế Mỹ tháng Tư được công bố lần lượt đầu tháng 5 đã gây bất ngờ trên mọi “mặt trận”. Màu đỏ từ khu vực kinh tế đến việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp đi lên chạm mức 3,9% (cao hơn dự báo 3,8%). Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng Tư cho thấy số lượng việc làm mới là 175.000, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường là 243.000 và cũng là mức tăng nhỏ nhất trong sáu tháng… Nếu 6 tháng trước, các dữ liệu kinh tế Mỹ khi công bố luôn tích cực hơn dự báo thì trong những kỳ gần đây, điều này đang đi được lại với thể hiện kém hơn…
Khái niệm đình lạm đang bắt đầu được nhắc lại. Bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều câu hỏi khó đoán định dẫu thị trường vẫn đang kỳ vọng vào quyết định cắt giảm lãi suất sớm hơn từ Fed.
>>>Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất kỷ lục trong kỳ họp tháng 5
Đáng mừng là sau các số liệu được công bố, ông Trần Ngọc Báu - TGĐ WiGroup cho rằng, sự dịch chuyển tâm lí thị trường đến hiện tại đã tích cực hơn. Vẫn còn kỳ vọng có khả năng Fed có 2 đợt cắt giảm lãi suất khoảng 0,5%.
Nhận định tích cực được công bố khi chỉ số CPI của Mỹ phản ánh lạm phát đã dịu xuống.
Nếu mối lo đình lạm của Mỹ không diễn ra và khả năng giảm lãi suất của Fed như kỳ vọng, đây là một bước “dễ thở” với chính sách tiền tệ toàn cầu và Việt Nam.
Trong nước, cùng với các động thái hút tín phiếu, từ gần nửa cuối tháng Tư, NHNN thực hiện thêm nhiều giải pháp như nâng lãi suất liên ngân hàng trên thị trường mở OMO lên quanh mốc 4,5%, rút khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa 2 thị trường và động thái bán USD ở vai trò người bán cuối với khoảng hơn 400-500 triệu USD đã được bán giao ngay.
Đáng chú ý NHNN đã và đang can thiệp thị trường vàng, thực hiện đấu thầu vàng miếng. Song theo nhiều chuyên gia, tác động từ đấu thầu vàng miếng không hiệu quả bằng thực hiện điều chỉnh hành lang pháp lý cho thị trường vàng (ở đây là xử lý sửa đổi Nghị định 24/2012 như kỳ vọng của thị trường). Tuy vậy, các động thái này cũng đã giúp tỷ giá hạ bớt nhiệt.
“Để có được sự ổn định của tỷ giá và lạm phát, có thể thấy gần như chúng ta đã sử dụng những công cụ tốt nhất và dư địa cho chính sách tiền tệ không còn nhiều. Không gian của chính sách tài khóa cũng chật hẹp và khó khăn trong giải ngân mạnh. Trong khi đó dự báo một hai quý tới, vẫn còn những làn gió phả hơi nóng từ kinh tế Mỹ và Trung Quốc suy yếu, gây thách thức cho chính sách trong tương lai”, ông Trần Ngọc Báu nhận định.
Trước áp lực lạm phát, nỗi lo lãi suất tiền gửi tăng, giá vàng ngoài tầm kiểm soát đe dọa tỷ giá…, cộng thêm nỗi lo bất ổn từ thị trường bên ngoài, doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào các nỗ lực chính sách can thiệp, ổn định vĩ mô - nền tảng quan trọng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tâm điểm của cuộc họp Quốc hội, đã được chuẩn bị với khai mạc phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay đầu tuần này, nhằm tập trung rà soát, xem xét các nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và các điều kiện đảm bảo cho kỳ họp trong tháng Năm, theo đó đang được đặt kỳ vọng cao.
Có thể bạn quan tâm