Nhiều chuyên gia cho rằng, để du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam thực sự phát triển trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần có cơ thể thúc đẩy cụ thể, hoạch định chiến lược...
>>Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam (Kỳ 2): Thiếu liên kết doanh nghiệp – địa phương
Kết nối tốt các doanh nghiệp trong việc xây dựng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp xu thế sẽ đưa du lịch Quảng Nam đón đầu xu thế du lịch mới.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017), yêu cầu “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai.” Vì vậy, nhiều chuyên gia đánh giá rằng những địa phương đã phát triển du lịch đại trà như tại Quảng Nam sẽ rất khó phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam – Gìn giữ giá trị bản địa, cho rằng tỉnh Quảng Nam là một địa phương có lợi thế để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, nên cần hướng đến tiếp cận tệp khách mê khám phá, nghỉ dưỡng và chi tiêu cao.
“Thương hiệu du lịch Quảng Nam không giống các địa phương khác, Quảng Nam không nên chú trọng vào những sản phẩm sôi nổi, mà dựa vào chính những câu chuyện văn hóa, các sản phẩm trải nghiệm mang giá trị bản địa mới. Do hạ tầng còn nhiều khó khăn nên Quảng Nam nên phát triển các phương tiện công cộng, tiện ích để du khách dễ dàng di chuyển hơn. Đối với tệp khách mê trải nghiệm văn hóa, hạ tầng sẽ ít quan trong hơn là những gì họ được trải nghiệm”, ông Việt nói.
Vì vậy, để xác định thương hiệu du lịch Quảng Nam, các điểm đến cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đón tiếp du khách. Cùng với đó, gỡ bỏ rào cản về ngôn ngữ giữa người làm du lịch và khách, sớm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch.
“Thông qua các đón tiếp chu đáo, chúng ta sẽ nhận lại được một hệ thống sứ giả marketing tuyệt vời. Từ đó, thương hiệu du lịch Quảng Nam sẽ lan xa, hút thêm lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn”, ông Lê Quốc Việt nêu đề xuất.
Để làm được việc đó, các chuyên gia cho rằng cần phải tận dụng thương hiệu Hội An làm điểm “tập kết” du khách. Từ Hội An, các tour, tuyến du lịch về nông nghiệp, nông thôn được phát triển để đưa khách về các điểm du lịch trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
>>Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam (Kỳ I): Nhiều điểm nghẽn
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, cho rằng Quảng Nam đã tiên phong trong phát triển du lịch xanh, trong khi ngành du lịch cần nguyên liệu đầu vào từ những ngành khác như văn hóa, giao thông, nông nghiệp… Do đó, để phát triển được du lịch nông nghiệp và nông thôn, Quảng Nam cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh – bền vững theo mô hình canh tác carbon.
“Quảng Nam nên lấy ngành nông nghiệp xanh hướng đến hấp thụ khí thải carbon để tạo điều kiện cho du khách đóng góp hoàn nguyên phát thải carbon do quá trình sử dụng các phương tiện di chuyển và lưu trú dùng nguyên liệu hóa thạch gây ra khi đi du lịch, nhằm hướng đến phát thải bằng “0”. Quảng Nam hoàn toàn có thể tiên phong trong việc thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong ngành du lịch, làm lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch xanh – bền vững”, ông Phan Xuân Thanh kiến nghị.
Để làm được việc đó, bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, chính quyền và doanh nghiệp Quảng Nam cần “bắt tay” triển khai đa dạng đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cùng với đó, tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm đến, đồng thời chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch, tăng cường an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các điểm,...
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cho biết tỉnh Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng Quảng Nam cần triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, đầu tư, phát triển điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tăng cường liên kết hợp tác về phát triển du lịch nông thôn.
Ngoài ra, nên xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án động lực, quy mô, đẳng cấp để thúc đẩy phát triển du lịch tại các khu vực ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi, ven sông Cổ Cò, Thu Bồn và Trường Giang, hồ Phú Ninh, xã đảo Tam Hải,....
Có thể bạn quan tâm