Đảm bảo thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là ý rất tốt nhưng không thực tế và khó khả thi.
>>>Luật Đất đai sửa đổi: Bất cập chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
>>>Luật Đất đai sửa đổi - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai
Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 2 Điều 89 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ… Góp ý nội dung này, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định ông Bùi Đức Long cho rằng, đảm bảo thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là ý rất tốt nhưng không thực tế, khó khả thi. Đảm bảo chỗ ở và các điều kiện sống khác thì được nhưng để bảo đảm bảo thu nhập thì không làm nổi.
Ông lấy ví dụ, một hộ đang có 20m2 đất mặt đường, họ bán hàng ăn, mỗi ngày thu nhập khoảng 500 nghìn đồng, mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Nay bị thu hồi, phải lên sống ở trên tầng cao thì làm sao chính quyền đảm bảo thu nhập bằng hoặc tốt hơn trước đây cho họ được. Ông Long cho rằng, phải bằng các cách hỗ trợ khác, như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… và không nên quy định như vậy trong luật.
Ông Nguyễn Phú Hậu - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nam Định cho rằng, cần phải giữ nguyên quy định đảm bảo thu nhập cho người có đất bị thu hồi ở nơi ở mới. Theo ông Hậu, ngoài nhà ở và các điều kiện khác thì thu nhập là vấn đề mấu chốt đối với gia đình phải di dời. Trên thực tế có nhiều hộ mất hết sinh kế, thu nhập khi phải di dời. Do đó, ông kiến nghị phải tạo việc làm cho họ tại dự án trước đó họ đã di dời để xây dựng. Đối với các dự án công nghiệp, họ không làm việc được thì con cháu họ phải được ưu tiên vào làm việc.
Có khá nhiều cấp, ngành đều góp ý về quy định tại Khoản 2 của Điều 89, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi. Nhưng theo Đại diện Hội Nông dân tỉnh Nam Định, cần thể chế hóa các quy định một cách cụ thể thành các tiêu chí như thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”.
>>>Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
>>>Cụ thể hóa “quyền bề mặt” trong Luật Đất đai sửa đổi
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Nam Định còn cho rằng, Khoản 5, Khoản 6 Điều 89 quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật” và “Chính phủ quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Đề nghị cần làm rõ yếu tố “kịp thời”. Vì trên thực tế, quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất do có trường hợp việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai và cả dự án bị kéo dài. Nhiều trường hợp, sau khi chỉnh sửa, điều chỉnh bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ… được người dân đồng thuận thì dự án đã bị kéo dài quá lâu, các mức hỗ trợ có khi không còn phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người phải thu hồi đất nữa.
Do đó Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
Cũng liên quan đến việc ổn định cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho người dân bị thu hồi đất, Đại tá Trần Quốc Huy – nguyên Phó Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 3 cho rằng, Luật cần có khoản quy định cụ thể thêm về thời gian cấp đất tái định cư; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có điều khoản quy định như trên để tránh trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, thu hồi đất nhưng không quan tâm thỏa đáng đến người dân bị thu hồi. Đồng thời, giúp MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với quá trình quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có thu hồi, bồi thường, tái định cư. Đại tá Trần Quốc Huy cho biết, thực tế có rất nhiều người dân hết 6 tháng được cấp tiền thuê nhà ở nhưng vẫn chưa có nhà tái định cư, nhận nhà tái định cư hàng chục năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Liên quan đến trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuân Trường (Nam Định) cho biết, theo quy định của Luật hiện hành, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất là UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất; sau đó mới gửi thông báo đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi.
Nhưng theo Điều 85 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảo lại quy trình. Cụ thể, dự thảo Luật quy định trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, UBND cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm tổ chức họp để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về kế hoạch thực hiện dự án, chủ trương, chính sách liên quan đến việc bồi thường. Thực tế, quy trình hiện hành đang khả thi, rất thuận lợi cho các cấp chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên giữ nguyên trình tự cũ.
Có thể bạn quan tâm
Luật Đất đai sửa đổi: Cần tăng hạn điền cho nông nghiệp quy mô lớn
04:00, 11/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bất cập chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
11:19, 10/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai
12:08, 08/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023