Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa sát thực tiễn, còn nhiều bất cập trong phương án quy hoạch phát triển năng lượng, thiếu các giải pháp về truyền tải, giải toả công suất cho các dự án.
Hạn chế nhà máy nhiệt điện than
Dự thảo quy hoạch điện VIII hiện chưa phản ánh và nắm bắt hết được những cơ hội và rủi ro mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt nội dung chưa thể hiện được tính đột phá, chưa giải quyết được những bất cập còn tồn tại về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo; chưa đưa ra được phương án hợp lý để quản lý phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời phân tán, hạn chế nhà máy nhiệt điện than như người dân đang kỳ vọng.
Nội dung dự thảo điện VIII, vẫn hướng tới mục tiêu phát triển mạnh về nhiệt điện than, chiếm (1.700 MW/năm), trong khi đó điện mặt trời chỉ phát triển thêm 2.000 MW trong vòng 10 năm, tương đương trung bình là 200 MW/năm là bất hợp lý. Điều này đã hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới và bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ các doanh nghiệp FDI và tổ chức kinh tế vào Việt Nam.
Minh chứng về tác hại từ nhiệt điện than, các chuyên gia cho rằng; bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, khiến nợ công tăng cao.
Đáng chú ý, về môi trường, người dân và chính quyền địa phương họ cũng kịch liệt phản đối những dự án nhiệt điện than vào đầu tư trên địa bàn, vì hệ luỵ gây ảnh hưởng quá lớn đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Dẫn chứng về vấn đề trên, BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khoẻ (CHERAD) cho biết; trên địa bàn xã Vĩnh Tân, H. Tuy Phong, Bình Thuận đang tồn tại tổ hợp trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, gồm 4 nhà máy nhiệt điện lớn đang vận hành với tổng công suất gần 4284MW, đã để lại tác hại khôn lường cho sức khoẻ người dân nơi đây.
"Mức ô nhiễm không khí từ tro xỉ và khói bụi của các nhà máy, là tác nhân chính gây nên bệnh phổi và ung thư đang tăng nhanh tại xã Phước Thể và Vĩnh Tân trong 3 năm, từ năm 2018 - 2020. Cụ thể năm 2020, người dân trên địa bàn 2 xã trên đã có tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo tăng mạnh như: Bệnh tai biến chiểm tỷ lệ cao nhất (58,8%), cao thứ hai là bệnh ung thư (17,6%), sau đó là đột quỵ (11,8%), chưa kể các bệnh khác cũng tăng cao hơn so với thời điểm chưa có cụm nhà máy nhiệt điện vào đầu tư hoạt động tại đó..." - BS An chia sẻ.
Cần giải quyết các bất cập
Trước những tác hại trên, đồng thời nhận thấy nội dung Dự thảo quy hoạch điện VIII chưa sát thực tiễn, mới đây Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã gửi Thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành cần xem xét lại nội dung quy hoạch điện VIII. Nội dung chính của VSEA khẩn cấp đề nghị Chính phủ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới. Bởi với công nghệ cao hơn thì các nhà máy điện than mới cũng không giải quyết triệt để được vấn nạn ô nhiễm môi trường, đồng thời khiến loại hình này trở nên đắt đỏ hơn so với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Bên cạnh đó, VSEA cho rằng Chính phủ cần ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng sạch. "Căn cứ vào các dự báo và khuyến nghị mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới, với mức bổ sung hàng năm là 630GW, gấp 4 lần năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng điện mặt trời phân tán..., đây sẽ là loại hình thương mại huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân tham gia phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch. Vì vậy, quy hoạch điện VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh loại hình này thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới..." - VSEA khẳng định.
Về hệ thống truyền tải, đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cũng kiến nghị, Chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho Nhà nước, mục tiêu vẫn ưu tiên đảm bảo an ninh hệ thống truyền tải, khâu vận hành, quản lý lưới do Nhà nước đảm trách.
Trong đó, VSEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững.
Về giải toả công suất, đảm bảo tối đa giờ phát điện cho các nhà máy, VSEA đề xuất Bộ Công thương cần đưa phương án Pin tích trữ vào Quy hoạch điện VIII, vì lợi ích của Pin tích trữ sẽ làm tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện.
"Do đó chúng ta cần đưa pin tích trữ vào triển khai ngay trong giai đoạn này , bởi đây là công nghệ có khả năng điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, phủ đỉnh, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo. Lợi ích từ pin tích trữ không chỉ giải quyết bài toản phủ đỉnh cho phụ tải mà còn tiết kiệm được chi phí khá lớn cho nhà đầu tư khi không phải cắt giảm công suất phát."- VSEA nhận định.
Ngoài những bất cập trên, VSEA cho rằng; Quy hoạch điện VIII cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023 theo như quyết định về thị trường điện cạnh tranh do Thủ tướng đã phê duyệt. Đồng thời Chính phủ cũng cần hiệu chỉnh lại các mốc thời gian tiến độ về tái cấu trúc đơn vị NSMO, phù hợp với các mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Kinh nghiệm từ Singapore, Thái Lan, Malaysia
04:00, 11/03/2021
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Dự thảo Quy hoạch điện VIII và sứ mệnh “đi trước một bước”
07:00, 06/03/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền
04:30, 25/02/2021
Dự thảo quy hoạch điện VIII chưa thuyết phục
01:25, 31/05/2021