[eMagazine] 9 phát biểu nổi bật tại WEF 2018

Ngọc Hà - Đinh Thanh 30/01/2018 10:39

Thương mại toàn cầu, sự mất giá của đồng USD, quyền của phụ nữ,... là những nội dung đã thu hút được sự quan tâm của phần lớn các khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra vừa qua tại Davos, Thụy Sỹ.

Bài phát biểu của Người đứng đầu Nhà Trắng tại WEF năm 2018 được cho là mong đợi nhất trong nhiều năm trở lại đây.  Bởi vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000 dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton Mỹ đã không tham gia sự kiện này.

Trong bài phát biểu của mình tại WEF, ông Trump nhấn mạnh: “Thế giới không thể có thương mại tự do và cởi mở nếu một số quốc gia sử dụng hệ thống tính phí khác. Ngoài ra, ông Trump cũng đã từng thể hiện niềm tin mạnh mẽ rằng, đồng USD sẽ trở nên mạnh hơn sau khi đồng tiền này đã ghi nhận sự suy yếu mạnh mẽ vào ngày 24/1 sau phát biểu của Bộ Trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Ông Steven Mnuchin, Bộ trường Tài chính Mỹ đã gây ra nhiều biến động cho thị trường tiền tệ, khi cho rằng, đồng USD suy yếu sẽ có lợi cho kinh tế  Mỹ, góp phần khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ngoài ra, ông cũng kịp thời trấn an thị trường tiền tệ Mỹ rằng: “Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của đồng USD”. Theo đó, đồng USD mất giá cũng là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại WEF.

Tại WEF, cộng đồng doanh nghiệp đã dành lời khen ngợi cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì ông Macron hứa sẽ cải cách môi trường kinh doanh tại khu vực châu Âu nói chung và Pháp nói riêng bằng một chiến lược trung hạn.

Ông Emmanuel Macron chia sẻ: “Chúng ta không thể tiếp tục "ngây thơ" trong bối cảnh toàn cầu hoá đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ và trở thành một trong những thách thức lớn. Điều này đòi hỏi các quốc gia và xã hội toàn cầu cùng đấu tranh để cùng tìm ra hướng giải quyết”.

Phát biểu tại tại WEF, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận: Đức đang có vấn đề của riêng mình. “Thành thật mà nói, đất nước mà tôi vinh dự được đại diện và nơi tôi là Thủ tướng đang có những khó khăn. Trong đó phải kể đến sự phân hoá ngày càng gia tăng rõ rệt, đây là điều đã không xuất hiện hàng thập kỷ nay ở nước Đức”, bà Angela Merkel chia sẻ và cho biết, Đức đang bị bế tắc về chính trị trong việc thành lập Chính phủ liên minh. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và biệt lập là xu hướng đáng lo ngại. “Nền kinh tế đứng đầu thế giới đang có ý định chống lại toàn cầu hoá. Ngoài ra, họ còn muốn đảo ngược dòng chảy tự nhiên của thương mại toàn cầu”, ông Modi nhấn mạnh.

Phát biểu tại WEF, nhà đầu tư huyền thoại George Soros tin rằng, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện đang ở mức báo động. “Thực tế, hậu quả của chiến tranh hạt nhân là khủng khiếp và chúng ta đang cố gắng lờ đi, nhưng chiến tranh hạt nhân là có thật”, ông Soros chia sẻ.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Ấn Độ, ông Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs cho rằng: “Mặc dù các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉn chu hơn trước khi được công bố, nhưng không phải ai cũng hài lòng với hướng đi của ông Trump”.

Ông Blankfein cũng cho biết rằng, với cá nhân ông, ông thích nhiều thứ hơn không thích. “Nhưng tôi cũng không muốn là người đạo đức giả, tôi thực sự thích những gì mà ông Trump đã làm cho nền kinh tế Mỹ”, ông Blankfein cho biết thêm.

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một trong 7 nữ chủ toạ tại WEF 2018 đã thu hút được sự chú ý của Diễn đàn bởi những đấu tranh về quyền của phụ nữ, trong đó phải kể đến sự bình đẳng tại nơi làm việc. “Mặc dù không có nhiễm sắc thể Y, nhưng chúng tôi vẫn có thể có nguồn năng lượng tích cực và mạnh mẽ”, Bà Lagarde nhấn mạnh.

Bà Malala Yousafzai, người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel hoà bình cho rằng: Cách duy nhất để đảm bảo các quyền của phụ nữ là giáo dục trẻ em trai. "Việc giáo dục trẻ em trai về vấn đề quyền phụ nữ là rất quan trọng, khi chúng ta nói về quyền của phụ nữ chúng ta phải nói với những bé trai về việc làm thế nào để trở thành những quý ông đích thực”, bà Malala Yousafzai chia sẻ.

Bà Ruth Porat, Giám đốc Tài chính Alphabet đã đưa ra một thông điệp rõ ràng tới các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng, doanh nghiệp nên lắng nghe nhân viên của mình.

"Có một điều chúng tôi thực hiện ở Alphabet, tại Google, đó là trong mỗi cuộc họp tại mọi công ty con, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đặt câu hỏi và làm như vậy. Nếu nói không ngoa, đó là bí quyết làm nên các công ty của chúng tôi hôm nay”, Porat nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine] 9 phát biểu nổi bật tại WEF 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO