Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị xem xét sửa quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…
>> Đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định “bổ sung vi chất”
Theo đó, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
Thông qua nội dung văn bản, FFA cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp hội viên, Hội Lương thực thực phẩm báo cáo và kiến nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành không còn phù hợp, đã và đang gây ra rất nhiều bất cập, tạo rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, lắng nghe và ghi nhận các ý kiến góp ý từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đối với một số văn bản Dự thảo đang được các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến góp ý.
Đặc biệt, theo FFA, doanh nghiệp ngành thực phẩm gặp khó khăn, bất cập rất lớn trong thời gian dài khi thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Cụ thể, với quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” (áp dụng từ 15/3/2017) và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (áp dụng từ 15/3/2018), việc yêu cầu bổ sung bắt buộc đối với mọi người dân và doanh nghiệp sản xuất thực phẩm là đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế.
>> Quy định bổ sung muối i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm làm khó doanh nghiệp
Không chỉ có vậy, quy định này thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe khi bắt tất cả những người đủ hoặc thừa i-ốt cũng phải ăn thực phẩm bổ sung i-ốt. Gây tốn kém, rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm gồm tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu…
Thực tế, từ khi Nghị định này ra đời và có hiệu lực, FFA và nhiều Hiệp hội ngành hàng liên quan thực phẩm cũng đã liên tục kiến nghị và ngày 07/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt.
Tiếp đến, ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ quy định trên, thay đó vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.
Ngày 26/6/2018, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về kế hoạch sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP, tuy nhiên, đến nay nội dung này vẫn chưa được triển khai vào thực tiễn, thay vào đó là việc thường xuyên tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan để báo cáo Chính phủ quyết định.
Theo FFA, trước đó, ngày 31/5/2022 và ngày 15/11/2022, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã lần lượt gửi các công văn tới Bộ Y tế và một số hiệp hội khác cũng có văn bản tiếp tục kiến nghị sửa đổi nội dung bất cập tại Nghị định 09/20156 nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có phản hồi cụ thể.
Không chỉ liên quan đến những bất cập của Nghị định 09/2016/NĐ-CP, tại văn bản đã gửi Văn phòng Chính phủ, FFA cũng cho rằng, quy định về ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm cũng còn tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm (Bộ Y tế) đuqược cho còn nhiều tồn tại, không phù hợp với quy định về ghi nhãn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm thế giới Codex quốc tế; số chỉ tiêu phải ghi nhiều hơn so với các nước trong khu vực và bắt tất cả thực phẩm đều phải ghi bảy chỉ tiêu giống nhau, không dựa vào quản lý rủi ro. Dự thảo yêu cầu ghi 7 chỉ tiêu trong khi Singapore, Malaysia chỉ yêu cầu 4, Nhật Bản yêu cầu 5.…
Theo FFA, về vấn đề này, tháng 5/2022, đơn vị này cùng một số Hiệp hội ngành hàng đã góp ý đến Bộ Y tế về Dự thảo Thông tư này. Cùng với đó, tại hội thảo Bộ Y tế tổ chức tháng 8/2022 vẫn chưa tiếp thu các góp ý của FFA cùng các Hiệp hội ngành hàng.
Do vậy, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sửa Dự thảo Thông tư theo hướng hài hòa với các khuyến cáo của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm thế giới Codex, hài hòa với các nước trong khu vực, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định “bổ sung vi chất”
11:30, 02/12/2021
Doanh nghiệp thực phẩm ba năm "một nỗi lo về vi chất"
15:37, 15/11/2021
Sữa học đường phải có 21 vi chất dinh dưỡng, chuyên gia nói gì?
00:48, 31/12/2019
Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia: Bổ sung 21 vi chất vào Sữa học đường hoàn toàn khách quan, khoa học
21:21, 24/12/2019
Doanh nghiệp thực phẩm khổ vì “vi chất dinh dưỡng”
04:42, 28/06/2018