Phú Thọ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Trong đó, GPMB được xem là một trong những khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
>>>Phú Thọ: Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
>>>Long An: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh đề nghị tất cả cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc trên tinh thần khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó.
“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng số vốn đầu tư công do địa phương quản lý là 5.810 tỉ đồng, giá trị vốn giải ngân đến hết tháng 8 là 3.420 tỉ đồng, đạt gần 59% vốn đã giao, là tỉnh có tỉ lệ giải ngân cao thuộc tốp đầu cả nước Những tháng cuối năm 2022, Phú Thọ đang nỗ lực để đạt mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% vốn được giao trước ngày 31/12/2022.
Trong đó, nhiều dự án trọng điểm được tập trung triển khai, đạt giá trị đầu tư cao như: Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương; dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối QL 32 với QL 70B của tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình (giai đoạn 2022 - 2024);,…
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 40,2km. Tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 3.712 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương, được chia thành 2 giai đoạn. (Trong giai đoạn 1, tuyến đường gồm 2 làn với tốc độ thiết kế 80km/h, nhưng GPMB 4 làn xe; dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2023. Dự kiến giai đoạn 2 của dự án triển khai sau năm 2025 với số vốn 460 tỷ đồng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, nâng lên 4 làn xe).
Một số dự án của các Bộ, ngành giao cho tỉnh làm chủ đầu tư hiện cũng đang khẩn trương thực hiện theo nguồn vốn được bố trí. Giai đoạn 2 của dự án QL 32C đoạn qua TP Việt Trì được Bộ GTVT phê duyệt 160 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao cho Sở GTVT Phú Thọ làm chủ đầu tư. Ông Trần Hoài Giang - Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đến thời điểm này, Sở đã hoàn thành giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết với Bộ GTVT và thực hiện vượt chỉ tiêu mà Bộ giao; nỗ lực đưa dự án vào sử dụng vào quý I/2023.
Từ nay đến cuối năm là giai đoạn “nước rút” để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Theo ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành, thị phải rà soát lại từng nội dung, phần việc cụ thể, xem nội dung nào có thể làm được trước thì tiến hành làm ngay. Các chủ đầu tư, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị nơi triển khai dự án đầu tư công phải chỉ đạo, tính toán từng phần việc và cam kết mốc thời gian cụ thể thực hiện để đảm bảo tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch.
Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định, không để thiếu mặt bằng “sạch” trở thành rào cản khiến các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, những năm gần đây, Phú Thọ quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ khó trong công tác đền bù, GPMB với những cách làm mới, khoa học, cân bằng được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Từ đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phú Thọ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh ở giai đoạn hiện nay đó là nghiêm túc, quyết liệt gỡ “điểm nghẽn” GPMB. Thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm, kiện toàn hội đồng bồi thường GPMB các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, GPMB đối với từng công trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đến tháng 9/2022, toàn tỉnh thực hiện GPMB 102 dự án (đã thu hồi và giao đất với tổng diện tích 781,9ha); một số dự án quy mô lớn đã bàn giao đất cho nhà đầu tư chỉ trong thời gian ngắn như: CCN Vạn Xuân; KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông - hạng mục sân golf Tam Nông 1; Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, Việt Trì; KĐT mới Thanh Minh, thị xã Phú Thọ; Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL 70B, QL 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái…
Các dự án lớn khác đang đồng loạt triển khai trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành không chỉ tạo điểm nhấn mới cho địa phương mà còn góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khác tìm hiểu cơ hội tại Phú Thọ. Ông Quang chia sẻ.
Qũy đất sạch tạo tín hiệu vui từ doanh nghiệp FDI
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Những năm gần đây, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào tỉnh Phú Thọ đang có xu hướng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ông Kim Woong Lyul-Giám đốc Công ty TNHH Asentec Việt Nam ở KCN Phú Hà cho biết: “ Công ty quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Phú Thọ bởi nơi đây có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được nhu cầu lao động của công ty. Hơn nữa, tỉnh Phú Thọ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về đầu tư và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng nhờ vậy, thời gian qua đã giúp công ty khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 370 lao động”.
Đại đa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh Phú Thọ đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đến nay, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh đang hoạt động là 184 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.667 triệu USD, doanh thu 9 tháng năm 2022 ước đạt trên 32.000 tỉ đồng - nộp ngân sách tỉnh ước đạt hơn 1.100 tỉ đồng. Giá trị xuất khẩu ước đạt 6,6 tỉ USD.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chủ động công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia; ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu, CCN. Đồng thời thực hiện tốt yêu cầu đổi mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, hiệu quả; hình thành các KCN hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Phú Thọ phấn đấu để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Sự dịch chuyển kinh tế đúng hướng. Các chỉ số PCI, PAR Inder, PAPI, SIPAS đều ở tốp cao trong cả nước. Năm 2021, PCI Phú Thọ tiếp tục tăng bậc, xếp 20/62 tỉnh/ thành phố; xếp thứ 14/63 tỉnh/ thành phố về thu hút FDI. Những kết quả này thể hiện những giải pháp đúng và trúng trong công tác GPMB đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”./.
>>>Để PCI Phú Thọ được “nâng hạng”
Có thể bạn quan tâm
Tam Nông (Phú Thọ): Cải cách hành chính để thu hút đầu tư
08:53, 20/05/2022
Thanh Thủy (Phú Thọ): Điểm đến của nhà đầu tư về du lịch
17:26, 08/05/2022
Phú Thọ: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững
03:00, 14/05/2022
Đi du lịch Phú Thọ nhớ dừng chân tại địa điểm này
17:31, 29/04/2022
Phú Thọ: Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
09:18, 13/04/2022