Giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân. Các tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp vẫn đang một mình một kiểu.
Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đến tháng 6/2919, chỉ có dưới 25% lao động Việt Nam là có chứng chỉ đào tạo nghề.
Trong khi, GDNN phải đặt trong khuôn khổ chung và là bài toán cần ưu tiên giải quyết đầu tiên, thì nói như PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hiện nay, GDNN bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước. Ngay cả tuyển sinh, GDNN tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD-ĐT cũng làm riêng, hệ thống GDNN làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng rẽ, như hai đường thẳng song song, làm sao chúng ta liên kết với nhau được?
Ngoài ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định có đến 3 khung thời gian đào tạo sau lớp 9 là trung cấp 1-2-3 năm và đều cho ra một loại văn bằng gọi là trung cấp (diploma). Điều này không phù hợp tiêu chuẩn nghề nghiệp và các quốc gia khác không công nhận văn bằng loại này, bởi vì không có quốc gia nào có loại đào tạo trung cấp chỉ 1-2 năm, bỏ qua các môn học văn hóa.
Nói như bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH - cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý hiện nay cũng là điểm hạn chế phải suy nghĩ. Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn chiếm 75%, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trong tổng số tuyển sinh. Nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.
Ông Phan Thanh Bình - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy có ba vấn đề mấu chốt trong GDNN: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN.
Ba vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn GDNN. "Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể GD-ĐT. Đến lúc GDNN cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học" - ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 5-11/10: Bên lề giáo dục - Những khoản thu “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” sao vẫn còn?
05:00, 11/10/2020
Giáo dục nghề nghiệp hút nhân lực chất lượng cao
04:00, 11/10/2020
Bên lề giáo dục: Những khoản thu “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” sao vẫn còn?
05:30, 05/10/2020
Giáo dục và câu chuyện “lạm thu”
05:30, 02/10/2020