"Gieo cây mới trên đất cũ” để hút khách du lịch

TRUNG THÀNH 12/06/2024 15:28

Với việc “gieo cây mới trên đất cũ”, Hải Dương đang xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm để thu hút du khách.

>>>Hải Dương: Du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp

Từ “Gieo cây mới trên đất cũ” ...

Với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, Hải Dương là địa bàn giàu tiềm năng để hình thành và phát triển du lịch nông thôn. Phát huy lợi thế đó, Hải Dương đã hình thành những vùng sinh thái nông nghiệp với nhiều nông sản đặc trưng, nổi tiếng cả nước như: vải, ổi Thanh Hà; tỏi Nam Sách, Kinh Môn; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; cam, sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; củ đậu Kim Thành; gà đồi Chí Linh; rươi Tứ Kỳ.

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cáo để tăng giá trị cho nông sản. Đồng thời khai thác tiềm năng du lịch từ các hoạt động trải nghiệm.

Huyện Gia Lộc vốn là vựa rau của tỉnh Hải Dương với những vùng rau củ theo mùa xanh ngút tầm mắt. Nhưng thời gian gần đây xuất hiện trại nho hạ đen được đầu tư bài bản. Việc gieo cây mới trên đất cũ này bất ngờ đem lại lợi nhuận khủng hàng tỷ đồng cho chủ vườn khi khách nườm nượp kéo tới vườn nho chín check in, chưa kể nguồn thu từ bán online khắp cả nước.

Du khách tham quan trải nghiệm vườn nho huyện Gia Lộc - Hải Dương

Du khách tham quan trải nghiệm vườn nho huyện Gia Lộc - Hải Dương

Người tiên phong trồng nho ở "thủ phủ" rau Gia Lộc là ông Nguyễn Mạnh Đoàn ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng. Hiện ông đang sở hữu vườn nho rộng 800m2 được đầu tư khép kín bằng hệ thống khung sắt và che ni lông, căng lưới.

Ông Đoàn cho biết: “Nho được trồng trong nhà màng nên cây phát triển tốt, sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, quả có độ ngọt trung bình từ 18 - 18.5, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt là không có hạt. Cây có đặc điểm sinh trưởng khỏe, cho 2 vụ quả/năm, thời gian cắt cành đến khi quả chín khoảng 110 - 120 ngày.”

Tuy mới triển khai mô hình, nhưng giống nho hạ đen cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, lại được trồng trong nhà kín nên cho năng suất cao, trái to và đẹp. Khi tới vụ thu hoạch những chùm nho lúc lỉu, tím thẫm, căng mọng ăn ngọt sắc và không có hạt khiến khách hàng rất ưa chuộng.

Năm 2021, ông Nguyễn Mạnh Đoàn khởi động trồng 400 gốc nho hạ đen trên 1,5 mẫu ruộng, rồi tiếp tục mở rộng thêm 5 sào nữa. Mở rộng diện tích trồng nho tới đâu là nhà máng, quây luới đầu rư tới đó. Làm đúng quy trình kỹ thuật lại trồng trong môi trường nhà kín nên nho phát triển tốt. Từ tháng 6/2022 đã có những lứa nho đầu tiên thu hoạch. Trong 7 sào nho đầu tiên năng suất đạt từ 300 – 500kg quả/sào. Với giá bán từ 120 nghìn – 150 nghìn đồng/kg, ông Đoàn đã thu về trên dưới 500 triệu đồng. Nếu các vụ tới diện tích trồng mới cho thu hoạch, dự kiến thu nhập sẽ tăng gấp đội, khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Đoàn cho biết, mỗi năm nho cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 12. Từ giữa tháng 6 ông Đoàn bắt đầu mở cửa vườn nho cho du khách ở tỉnh tới thăm vườn. Chỉ trong một buổi sáng ông đã bán được 3 tạ nho với giá 120.000 đồng/kg. Ngoài giá trị kinh tế mang lại từ quả nho, anh Đoàn cũng mở thêm dịch vụ chụp ảnh tại vườn với giá 20.000 đồng/lượt/người. Vào tháng chính vụ, mỗi ngày nhà vườn anh Đoàn đón khoảng 200 - 300 lượt khách đến chụp ảnh. Có thể thấy, việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái đón khách thăm quan, trải nghiệm đem lại nguồn thu đáng kể cho nhà vườn.

Du khách tham quan trải nghiệm vườn vải Thanh Hà

Du khách tham quan trải nghiệm vườn vải Thanh Hà

...đến thay đổi tư duy

Thời gian qua, Hải Dương từ những vùng đất vốn chỉ quen với cây lúa thì nay đã có những mô hình nông nghiệp mới. Những giống cây trồng mới trên vùng đất cũ. Nhiều mô hình nông nghiệp mới này đã và đang mở ra hướng phát triển thêm cho du lịch của địa phương.

Theo ông Bùi Ngọc Sẫm – Bí thư huyện Tứ Kỳ: Trên cơ sở định hướng của huyện phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm gắn với nông nghiệp công nghệ cao, vốn là vùng bãi ven sông, diện tích đất nông nghiệp còn rất lớn, huyện Tứ Kỳ cũng đang khuyến khích các hộ dân phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm.

Theo ông Trịnh Văn Thiện – Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, địa phương sẽ mời gọi đầu tư triển khai Dự án du lịch sinh thái Sông Hương; khai thác các tour du lịch trải nghiệm tham quan và thưởng thức đặc sản của huyện tại các vùng sản xuất cây ăn quả.

Du khách tham quan trải nghiệm gặt lúa ruộng rươi - Tứ kỳ

Du khách tham quan trải nghiệm gặt lúa ruộng rươi - Tứ kỳ 

Theo ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, chúng tôi mong muốn, nếu được sự quan tâm của tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan về việc thúc đẩy, quảng bá và đưa những vấn đề du lịch trải nghiệm vào khai thác thì bản thân HTX sẽ chuẩn bị nhân lực, điều kiện tốt nhất. Đồng thời, quy hoạch các vùng, không những để mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm thú vị mà còn tăng giá trị thu nhập cho nhân dân trong xã chúng tôi.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, du lịch Hải Dương, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Một trong những giải pháp được tỉnh Hải Dương xác định là tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng tour, tuyến du lịch nội tỉnh, hợp tác với các tỉnh, thành phố để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.

Lãnh đạo Hội nông dân tỉnh cho biết, được sự quan tâm của các cấp, Hội Nông dân đã vận động nhiều nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như cà chua, dâu tây, nho Hạ Đen, đem lại thu nhập cao hơn cho bà con.

Du khách trải nghiệm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Du khách trải nghiệm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, Hải Dương cũng đã có những mô hình thí điểm du lịch sinh thái trải nghiệm và mang lại thu nhập rất cao. Điều này càng là động lực để bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi, phát triển nông nghiệp xanh gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Từ thành công của mô hình, Hải Dương có diện tích đất màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp sinh thái.

Cùng với xu hướng của thị trường như ông Nguyễn Mạnh Đoàn ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng kết hợp tham quan, du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn, thu hút nhiều khách tham quan và làm tăng giá trị sản phẩm, mỗi năm vườn nho của ông đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan chụp ảnh, học hỏi mô hình của ông. Với giá cả hiện nay 150.000 đồng/kg. Với diện tích 8 sào nho đã cho thu hoạch, ông Đoàn kiếm từ 400 - 500 triệu đồng/vụ quả, ông đang có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới Hội Nông dân sẽ tập trung theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hội cũng hướng dẫn hội viên nông dân khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp, trong đó có du lịch sinh thái. Những năm gần đây, Hội đang thực hiện rất tốt các định hướng này, trong đó có những mô hình phát triển tiên tiến như trồng rau hữu cơ, trồng bưởi VietGab, trồng nho, trồng hoa,… gắn với du lịch sinh thái. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Đẩy nhanh GPMB đường dẫn cầu Đồng Việt đúng tiến độ

    Hải Dương: Đẩy nhanh GPMB đường dẫn cầu Đồng Việt đúng tiến độ

    13:44, 10/06/2024

  • Hải Dương: Thành công từ mô hình chăn vịt kiểu mới

    Hải Dương: Thành công từ mô hình chăn vịt kiểu mới

    16:04, 11/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Gieo cây mới trên đất cũ” để hút khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO