Google, Meta, Qualcomm “đối phó” EU?

QUÂN BẢO 15/12/2023 05:05

Ngày 13/12/2023, các ông lớn công nghệ thế giới thành lập liên minh nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật mở, đáp ứng các quy định của châu Âu. Thế nhưng động thái này lại mang lại nhiều nghi ngờ.

>>Vụ thua kiện chấn động của Google

Liên minh này mang tên Liên minh Hệ sinh thái Kỹ thuật số mở (CODE), bao gồm Google (Alphabet), Meta, Qualcomm, Honor (công ty sản xuất thiết bị thông minh Trung Quốc), Lynx (startup thực tế ảo tăng cường của Pháp), Motorola (nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Mỹ), Nothing (nhà sản xuất điện tử của Anh), Opera (công ty công nghệ của Na Uy) và Wire (nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin của Đức).

Họ tuyên bố mục tiêu cho sự hợp tác lần này nhằm thúc đẩy việc phát triển nhiều hệ thống và nền tảng mở thông qua việc hợp tác liên ngành và kết nối liền mạch, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng và đổi mới ở châu Âu.

Theo kế hoạch đề ra, Liên minh sẽ làm việc với các học giả, các nhà hoạch định chính sách và các công ty, bàn bạc về sự cởi mở trong thời đại kỹ thuật số và cách thức đạt được điều này tại châu Âu “thông qua việc thực thi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và tuân theo khuôn khổ pháp lý của EU trong tương lai”.

DMA là một đạo luật mới được ban hành về chống độc quyền, trong đó yêu cầu các Big Tech cho phép bên thứ ba tương tác với dịch vụ của họ, đồng thời tạo điều kiện để người dùng doanh nghiệp có thể truy cập vào nhiều dữ liệu mà dịch vụ của Big Tech tạo ra hơn, cũng như quảng cáo những ưu đãi và ký kết hợp đồng với khách hàng bên ngoài nền tảng của Big Tech.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng đây là thứ sẽ thay đổi ngành công nghệ. Và minh chứng rõ nhất cho nhận định này là các ông lớn trong ngành ráo riết ra mắt Liên minh CODE.

Về mặt nguyên tắc, CODE tuyên bố rằng họ sẽ “thúc đẩy các hệ thống có khả năng tương tác và kết nối liền mạch”, “trao quyền cho người tiêu dùng lựa chọn thiết bị và dịch vụ một cách dễ dàng”, nuôi dưỡng “một môi trường thuận lợi cho các hệ thống mở” và “tạo nên hệ sinh thái kỹ thuật số thông qua hợp tác liên ngành”. Đồng thời các công ty cũng cần làm việc với nhau để phát triển các tiêu chuẩn về độ “mở” và việc tuân thủ chúng, đặc biệt khi liên quan đến những nền tảng gắn liền với đời sống con người và kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên sự sự ra đời của CODE cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Một mặt, thành lập một liên minh để điều phối việc tuân thủ DMA là điều hoàn toàn hợp tình hợp lý, đặc biệt khi DMA là luật mới và có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Mức phạt của DMA cao hơn Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu (GDPR) rất nhiều. Bên nào vi phạm nhiều, vi phạm nặng có thể bị phạt đến 20% doanh thu hằng năm trên toàn cầu.

Thế nhưng mặt khác, nhiều người cũng nghi ngờ về mục đích của CODE, cho rằng chúng không phải lập ra để điều phối việc tuân thủ DMA. Bởi vì các Big Tech đã và đang cố gắng thực thi GDPR càng ít càng tốt, vậy nên chẳng có gì để chứng minh rằng lần này Big Tech sẽ “ngoan ngoãn” nghe theo DMA. Và nhiều người cũng không tin Google và Meta sẽ thật tình ủng hộ việc mở cửa hệ sinh thái, đặc biệt khi hai công ty này thường xuyên phải hầu tòa vì các cáo buộc chống độc quyền. Không chỉ vậy, tuyên bố ra mắt liên minh CODE còn dùng những từ ngữ mơ hồ, thậm chí chẳng định nghĩa “mở cửa” ở đây là gì.

Vậy nên suy cho cùng, CODE và DMA có thể đi đến đâu, đó vẫn là câu hỏi cần thêm nhiều dữ liệu và sự kiện để trả lời thỏa đáng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai người Việt bị Google kiện đòi bồi thường hàng triệu đô

    Hai người Việt bị Google kiện đòi bồi thường hàng triệu đô

    00:03, 18/11/2023

  • Công ty khởi nghiệp Anthropic nhận đầu tư 2 tỷ USD từ Google

    Công ty khởi nghiệp Anthropic nhận đầu tư 2 tỷ USD từ Google

    08:08, 31/10/2023

  • Meta “giận dỗi” vì bị cấm quảng cáo…

    Meta “giận dỗi” vì bị cấm quảng cáo…

    00:06, 04/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Google, Meta, Qualcomm “đối phó” EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO