Hải Phòng đã mạnh dạn đột phá, dồn sức huy động nguồn lực để thu hút đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, ưu tiên cho các công trình giao thông trọng điểm, kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; là trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển…
Người Hải Phòng đang hồ hởi, tin tưởng vào sự phát triển “đột phá” của thành phố. Ấn tượng nhất là sự hài lòng của người dân khi được chăm lo chu đáo về vật chất và tinh thần. Một niềm tin vào thành phố “tỏa sáng” bứt phá đã đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng cao, bền vững hơn.
Đột phá cơ sở hạ tầng
Cách đây khoảng 10 năm, rất nhiều doanh nghiệp từng có ý định lập nghiệp ở Hải Phòng đã buộc phải dứt áo ra đi sang vùng đất khác làm giàu. Và nhiều năm sau nữa, mỗi khi trở lại Hải Phòng, họ đã bần thần, tiếc nuối cho sự chậm chạp, của thành phố này. Một thành phố hội tụ cả đường thủy, đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt mà sao kinh tế lại bị ngủ quên (?)
Thế nhưng, Hải Phòng thời gian gần đây, khó ai mường tượng ra thành phố đó đang đổi thay, sôi động mỗi ngày. Những khu đô thị cao cấp, hiện đại đầu tiên đã được khởi công những khu vui chơi, giải trí, mua sắm, bệnh viện, trường học mang tầm cỡ quốc tế đang dần trở thành hiện thực.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng ngày nay đã chuẩn bị sẵn tâm thế để bước vào giai đoạn phát triển mới tương xứng với vị thế, tiềm năng lợi thế thành phố về vị trí, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với đầy đủ 5 loại hình giao thông gồm: Đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. Thành phố đã phối hợp với Bộ GTVT lập quy hoạch, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai một loạt các dự án giao thông trọng điểm, tạo sự kết nối một cách toàn diện giữa thành phố với các địa phương như: Đường nối TP. Hạ Long - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm sang Trung tâm hành chính mới dự kiến khai thác trong năm 2019; nút giao cuối tuyến Tân Vũ - Lạch Huyện dự kiến khai thác trong năm 2019; dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT dự kiến hoàn thành năm 2020; tuyến đường trục đô thị từ Bắc Sơn - Nam Hải thuộc dự án phát triển giao thông đô thị dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Năm 2017 - 2018 thực sự là một năm chuyển mình của Hải Phòng. Chỉ trong 2 năm, cả thành phố như vươn mình đứng dậy. Bao công trình hiện đại đã và đang dần hiện lên, đi vào cuộc sống, phục vụ người dân. Những niềm vui, niềm kiêu hãnh vốn có của người Hải Phòng bấy lâu giờ như đã quay về.
Trong mỗi câu chuyện nói về thành phố, chủ đề hạ tầng đô thị và giao thông Hải Phòng được người dân nơi đây nhắc đến nhiều nhất. Một doanh nghiệp ngày xưa thờ ơ với Hải Phòng bây giờ đã phải thốt lên “Hải Phòng là thành phố có sông ngòi, cảng biển thật đẹp và hùng vĩ. Sau nhiều năm trở lại Hải Phòng, thấy các dự án bên sông dần đi vào hiện thực, tôi mừng vô cùng. Những cây cầu lớn, nhỏ đều góp phần làm thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn”.
Sắp tới Nút giao thông nam cầu Bính, QL37 đoạn qua TP Hải Phòng, cầu Nguyễn Trãi, cải tạo QL17B. Những công trình này sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa khu vực phía Bắc, thúc đẩy đầu tư thành chuỗi liên kết bền vững, rút ngắn thời gian, lộ trình đến Hải Phòng.
Ngoài ra, việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) cho các dự án lớn như cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên cũng như thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư cũng được chú trọng. Thời gian tới, việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng với chiều dài 20,7km nối với tỉnh Thái Bình; mở rộng cải tạo đường tỉnh 352 với xây dựng cầu Lại Xuân; đường nối QL5 với QL10; mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020.
Phát triển liên kết vùng
Trước đó, tháng 5/2018, Tập đoàn Gemadept và Tập đoàn Sao Đỏ (chủ đầu tư dự án) đã chính thức đưa giai đoạn 1 của dự án cảng Nam Đình Vũ vào khai thác. Nam Đình Vũ là cảng thứ 7 trong hệ thống cảng của Gemadept và là cảng nước sâu lớn nhất khu vực bán đảo Đình Vũ, TP. Hải Phòng.
Có thể nói, trong 38 cảng đang hoạt động tại Hải Phòng thì Nam Đình Vũ là cảng có chiều dài cầu bến và độ sâu luồng cũng như vùng quay tàu rộng, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Đây là những yếu tố thuận lợi để cảng có đủ điều kiện tiếp nhận các tàu có trọng tải nên đến 40.000 tấn.
Với nguồn kinh phí 1.700 tỷ đồng được đầu tư trong giai đoạn 1, liên doanh nhà thầu đã xây dựng 01 cầu tầu dài 450m, đồng thời lắp đặt các trang thiết bị bốc xếp, như: Hệ thống cẩu dàn 6RTG và 4QC có tầm với 15 hàng container thuộc loại lớn nhất khu vực cùng phần mềm Catos hiện đại giúp quản lý và điều hành khai thác cảng theo thời gian thực, xe cẩu, xe nâng chuyên dụng cùng hệ thống kho bãi rộng, đồng bộ… Với qui mô hiện tại, cảng Nam Đình Vũ có khả năng tiếp nhận được 500.000 Teus/năm. Đón chuyến hàng đầu tiên vào tháng 02/2018, sau 9 tháng đi vào hoạt động cảng này đã đón hàng trăm chuyến tàu vào làm hàng, năng suất làm hàng thuộc Top cao nhất khu vực, đạt 50 moves/giờ.
Cùng với việc khai thác giao thông cảng biển, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường bao đông nam KCN Đình Vũ; mở rộng, cải tạo tuyến đường trục qua khu công nghiệp Đình Vũ, tuyến đường 356; cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn cầu Quán Toan - cầu Nghìn; cải tạo, nâng cấp QL5.
Trải thảm đỏ, hút đầu tư
Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng: Năm 2018, Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,25%, cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước; sản xuất công nghiệp tăng 25,01%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,19 tỷ USD, tăng 25,5%. Sản lượng hàng qua cảng 109 triệu tấn, tăng 18,43%. Thu hút khách du lịch tăng đột biến, đạt trên 7,79 triệu lượt, tăng 16,18%. Thu nội địa đạt 24.768 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Hải Phòng đã chủ động tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố đã tổ chức định kỳ Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng tháng. Tập trung cao giải quyết các thủ tục về kinh doanh, đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng kịp thời cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục chọn Hải Phòng để đầu tư các dự án lớn. Thu hút FDI đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 152,84% so với cùng kỳ. Riêng kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, Hải Phòng xếp vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Lần đầu tiên, Hải Phòng xuất hiện trong Top 10 PCI cả nước và dẫn đầu chỉ số thành phần đào tạo lao động, lĩnh vực mà thành phố luôn duy trì được điểm số cao trong 5 năm trở lại đây.
Để duy trì “phong độ” đó, Hải Phòng đã có kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 – 2019 và các năm tiếp theo. Thành phố phấn đấu nâng vị trí xếp hạng trong top 3 – 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Theo đó, 10 chỉ số thành phần PCI được cải thiện, khắc phục và cải thiện mạnh mẽ hạn chế của 3 chỉ số bị giảm điểm đến năm 2017. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện các chỉ số thành phần chỉ số PCI.
Có thể bạn quan tâm
23:49, 02/12/2017
03:00, 26/01/2019
14:45, 19/01/2019
Hôm nay, người Hải Phòng đã và đang tự hào về những gì mà họ đang có được. Nhưng khí chất người Hải Phòng không bao giờ thỏa mãn những gì họ đã xây dựng được. Có thể nói, Hải Phòng vẫn vậy, “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Đây là bước tạo đà cho Hải Phòng “rộng dài, rực sáng” trong năm 2019 và những năm tiếp theo.