CEO FPT bày tỏ mong muốn lan toả mô hình “sư phụ - đệ tử” đã thành công tại tập đoàn để hỗ trợ các doanh nghiệp ICT có quy mô vừa và nhỏ.
>>>Doanh nghiệp ICT “chinh phục” thế giới: “Hoá giải” thách thức
Tại buổi gặp gỡ các thành viên của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), ông Nguyễn Văn Khoa - CEO tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch VINASA cho biết: hưởng ứng chương trình đưa doanh nghiệp công nghệ số ra thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp số của Việt Nam tiên phong ra toàn cầu cần kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp SME phát triển, tự tin hợp tác xuất khẩu sản phẩm dịch vụ số. Cách thức hỗ trợ hiệu quả, CEO FPT đã đề cập đến mô hình “sư phụ - đệ tử” đã được thực hiện rất thành công tại tập đoàn và mong muốn đưa mô hình từ doanh nghiệp ra VINASA với một số cải biên cho phù hợp.
Theo CEO Nguyễn Văn Khoa, mô hình “sư phụ - đệ tử” được thiết kế dựa trên mô hình YPO Forum - Hoạt động thường niên của tổ chức Lãnh đạo trẻ thế giới (Young President Organization). Đây là hình thức huấn luyện nhằm kết nối các nhà lãnh đạo trẻ với những lãnh đạo giàu trải nghiệm thông qua những buổi offline. Tại đây, các thành viên chia sẻ những vấn đề mình quan tâm và được các sư phụ là những người đi trước tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm đúc rút từ nhiều năm làm lãnh đạo.
Mô hình “sư phụ - đệ tử” đã được thực hiện thành công tại nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia. FPT là tập đoàn tiên phong tại Việt Nam đưa mô hình này vào doanh nghiệp. Từ sự hỗ trợ của đội ngũ lãnh đạo, nhiều quản lý trẻ tài năng của tập đoàn đã trưởng thành và vững vàng.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, lãnh đạo cấp 5 trở lên tại FPT đều là những “sư phụ” có nhiệm vụ hỗ trợ các “đệ tử” ở đơn vị của mình hoặc đơn vị khác trong FPT. Qua các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, dẫn dắt, các “đệ tử” có cơ hội nâng cao giá trị bản thân, phát triển công việc rất nhanh và hiệu quả.
Hiện nay, trong VINASA, ngoài các doanh nghiệp lớn, số lượng thành viên là doanh nghiệp SME rất đông. Để các doanh nghiệp SME cùng lớn mạnh, đủ tiềm lực hợp tác kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thì các doanh nghiệp phải đi cùng nhau. Cùng với đó, cần loại bỏ tư duy “cá lớn nuốt cá bé”, thay vào đó là tư duy “cá lớn dìu cá bé”.
>>>Doanh nghiệp ICT "chinh phục” thế giới: Hợp tác số toàn cầu
Ở Hiệp hội, có thể “sư phụ” không được quyền chọn “đệ tử”. Ngược lại, “đệ tử” được chọn “sư phụ”. Một “sư phụ” chỉ nên có 6 “đệ tử” huấn luyện, sau một thời gian có thể sẽ đổi “sư phụ”.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp SME tốt hơn, Chủ tịch VINASA mong muốn các doanh nghiệp đưa nhu cầu cụ thể về thị trường mong muốn, lĩnh vực quan tâm, khách hàng kỳ vọng… để tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư hiệu quả.
Chia sẻ thêm về các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp SME, ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Công nghệ thông tin của MobiFone cho hay: trong những năm qua, tập đoàn đã cộng tác thành công với nhiều doanh nghiệp SME trong nước. Đã có những dự án, phần việc tại MobiFone do các doanh nghiệp SME thực hiện thành công. Đây là sự hợp tác được MobiFone tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp số động lực phát triển kinh tế số
00:30, 31/12/2022
EVNHCMC trở thành doanh nghiệp số đầu tiên
15:20, 22/12/2022
VIBOOK - Mỗi người, mỗi doanh nghiệp là một doanh nghiệp số
15:27, 18/12/2022
Kiến tạo các doanh nghiệp số
13:34, 26/10/2022
EVNNPC hướng tới mục tiêu doanh nghiệp số năm 2025
06:53, 01/08/2022
Văn phòng điện tử (Digital – office): Xu thế của doanh nghiệp số
13:30, 25/07/2022
Doanh nghiệp số trong tiến trình tái cấu trúc
04:05, 28/04/2022
Diễn đàn kinh tế TP.HCM: Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số
10:32, 15/04/2022