Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc sẽ ưu tiên chính sách nào?

TRƯỜNG ĐẶNG 18/07/2024 03:30

Tại hội nghị trung ương quan trọng, lãnh đạo Trung Quốc được cho sẽ tiếp tục ưu tiên an ninh kinh tế, để lại một số vấn đề kéo dài chưa được giải quyết...

Sự kiện chính sách quan trọng sẽ định hình nền kinh tế số 2 thế giới thời gian tới

Hội nghị trung ương lần thứ 3 của Trung Quốc  sẽ định hình nền kinh tế số 2 thế giới thời gian tới.

Ưu tiên chính sách của Trung Quốc

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX diễn ra trong các ngày từ 15 – 18/7 là một sự kiện quan trọng được dư luận trong nước và quốc tế chú ý. Trong quá khứ, hội nghị năm 1978 đưa Trung Quốc tới con đường tự do hóa kinh tế, mở đường cho nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ.

>>Doanh nghiệp ô tô ngoại "loay hoay" tại Trung Quốc

Tại Hội nghị lần này, nhiều chuyên gia quốc tế kỳ vọng lãnh đạo Trung Quốc sẽ đề ra những giải pháp quan trọng nhằm giải những bài toán hóc búa về kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, kỳ vọng về việc sẽ thực hiện một sự điều chỉnh đáng kể tại một hội nghị của Đảng Cộng sản trong tuần này lại bị đánh giá là thấp, khi ông Tập Cận Bình tiếp tục ưu tiên các biện pháp nâng cao an ninh kinh tế của Trung Quốc trên các ưu tiên khác.

Theo nhiều chuyên gia, ông Tập Cận Bình dường như tập trung hơn vào các bước đi giúp nước này ít phụ thuộc vào công nghệ phương Tây hơn, giảm sự phụ thuộc về chất bán dẫn và các hàng hóa thiết yếu khác, và chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các ngành mà ông coi là quan trọng cho tương lai, bao gồm năng lượng sạch, xe điện và điện toán tiên tiến.

Giới lãnh đạo muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc sản xuất dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ. Việc theo đuổi tầm nhìn đó ngày càng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.

Tăng trưởng trong nước dần yếu đi, GDP quý 2 chỉ đạt  4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ 5,3% trong quý đầu tiên. Căng thẳng thương mại gia tăng với nước ngoài cũng là một vấn đề.

Các nhà kinh tế cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ sẽ giúp giải quyết vấn đề năng suất dư thừa của Trung Quốc, nhưng có thể làm cho quan hệ với Mỹ và các quốc gia phương Tây trở nên tồi tệ hơn.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn," Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell và cựu Giám đốc IMF tại Trung Quốc cho biết. Ông nói rằng cần khẩn cấp nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy chi tiêu và các cải cách kinh tế để khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân ở Trung Quốc.

Con đường kinh tế đang chệch hướng?

Tại sự kiện này, các nhà kinh tế Trung Quốc mong đợi một số nỗ lực chính sách sẽ giải quyết một số vấn đề của đất nước. Có thể đó là những điều chỉnh đối với hệ thống thuế giúp các chính quyền địa phương mắc nợ có tài chính vững chắc hơn, hoặc có thể có một số nỗ lực để khôi phục sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

>>Nền kinh tế Thái Lan "hứng đòn" từ Trung Quốc

Một số kỳ vọng đi xa hơn, như cải cách thuế tiêu dùng để chính quyền các địa phương hiệu quả hơn trong thúc đẩy chi tiêu địa phương. Ý kiến khác nói rằng hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc cần được điều chỉnh để đảm bảo rằng người lao động có thể di chuyển đến nơi có việc làm mà không phải lo lắng về nhà ở hoặc giáo dục cho con cái của họ.

Trung Quốc vẫn đang vật lộn với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng

Trung Quốc vẫn đang vật lộn với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành bất động sản.

Nhưng những bước đi đó được cho là không đủ để đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại đúng hướng vào thời điểm đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng cùng lúc: bất động sản và nợ công địa phương.

Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đã bước sang năm thứ ba sau khi Bắc Kinh thắt chặt các hạn chế đối với các nhà phát triển để kiềm chế việc vay mượn quá mức. Đầu tư vào bất động sản giảm 10,1% trong sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu được công bố hôm thứ Hai cho thấy.

Kể từ cuối năm 2022, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp để cố gắng hồi sinh thị trường bất động sản, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp và loại bỏ nhiều hạn chế mua nhà, hay khuyến khích chính quyền địa phương mua lại các căn nhà chưa bán được và chuyển chúng thành nhà ở giá rẻ.

Nhưng biện pháp này dường như không hiệu quả. Doanh số bán nhà mới trong sáu tháng đầu năm nay giảm 26,9%, giá nhà mới trung bình ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 4,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thách thức dài hạn khác bao gồm đối phó với dân số già và nâng cao tăng trưởng năng suất.

Chính sách thúc đẩy sản xuất của Trung Quốc được kỳ vọng tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ hơn có thể chống chọi với những cơn gió ngược trên thị trường toàn cầu. Những cụm từ như “lực lượng sản xuất mới” và “tăng trưởng chất lượng cao”, ám chỉ các ngành công nghệ tiên tiến như xe điện và năng lượng tái tạo.

Nhưng những nhược điểm trong kế hoạch này đang trở nên rõ ràng hơn. Việc tăng cường sản xuất mà không tăng nhu cầu đã dẫn đến giá giảm trong nhiều tháng bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Cùng với đó là lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu về làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc khi nhu cầu nội địa yếu có khả năng dẫn tới nhiều động thái bảo hộ hơn.

Tại Trung Quốc, lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn sản xuất, nhưng tầm nhìn của ông Tập ít đề cập đến việc tăng thu nhập và chi tiêu của họ.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức kỷ lục trong một tháng, trong khi sản lượng công nghiệp trong sáu tháng đầu năm cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,7% trong cùng kỳ.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng," Wei Yao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Société Générale, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu mới đây và nhấn mạnh rằng nền kinh tế đang chậm chạp vì nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước vẫn rất yếu.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao giới nhà giàu Trung Quốc “xấu hổ

    Vì sao giới nhà giàu Trung Quốc “xấu hổ" về sự xa xỉ?

    04:00, 17/07/2024

  • Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc

    Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc

    04:00, 15/07/2024

  • Trung Quốc tung gói trái phiếu mới (Kỳ II): Hiệu quả tới đâu?

    Trung Quốc tung gói trái phiếu mới (Kỳ II): Hiệu quả tới đâu?

    02:30, 13/07/2024

  • Lại xuất hiện mẫu ô tô Trung Quốc có giá siêu rẻ tại Việt Nam

    Lại xuất hiện mẫu ô tô Trung Quốc có giá siêu rẻ tại Việt Nam

    04:21, 12/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc sẽ ưu tiên chính sách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO